Bhutan: Vùng đất nơi hạnh phúc ngự trị, cấm địa của nỗi buồn

Bhutan, đất nước nằm trên dãy Himalaya, nổi tiếng nhất với chính sách Hạnh phúc Quốc gia, đây là vùng đất nơi hạnh phúc ngự trị và nỗi buồn không được bén mảng đến.
Bhutan: Vùng đất nơi hạnh phúc ngự trị, cấm địa của nỗi buồn ảnh 1Các nữ sinh trong trang phục truyền thống Bhutan. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Eric Weiner là tác giả của những cuốn sách như The Geography of Bliss (Địa lý của Hạnh phúc) hay The Geography of Genius (Địa lý của Thiên tài). Anh cũng thường xuyên thực hiện những chuyến du lịch triết lý. Bài viết dưới đây dựa trên quan điểm cá nhân của anh

Trong một chuyến đi tới Thimphu, thủ đô của Bhutan, tôi đã có dịp tâm sự với một người đàn ông tên là Karma Ura. Chẳng biết có phải vì tên anh ta là Karma (nghiệp), hay không khí loãng, hay chuyến đi đã làm tôi không còn quá đề phòng, nhưng tôi đã quyết định tâm sự một số chuyện rất riêng tư. Không lâu trước đó, tôi bỗng nhiên có những triệu chứng như thở gấp, chóng mặt, tê mỏi tay chân. Ban đầu tôi nghĩ mình bị đau tim, hoặc bị thần kinh, hoặc cả hai. Vậy là tôi đến gặp bác sỹ, làm một loạt xét nghiệm và phát hiện ra…

“Không gì cả”, Ura nói, trước cả khi tôi kịp kết thúc câu nói của mình. Anh ấy biết tôi có những nỗi sợ. Tôi chưa đến số chết, ít nhất là chưa sớm đến vậy. Tôi chỉ đang sợ hãi. Điều mà tôi muốn biết là: Tại sao tôi lại cảm thấy như thế vào lúc này, khi cuộc sống của tôi vẫn ổn, và tôi có thể làm được gì?

“Anh cần nghĩ về cái chết 5 phút mỗi ngày”, Ura trả lời. “Điều đó sẽ giúp anh khỏi bệnh.”

“Như thế nào?” tôi hỏi lại, ngẩn ngơ.

“Chính nỗi sợ cái chết, sợ phải giã từ cuộc sống trước khi đạt được điều mình muốn hay thấy con cái trưởng thành là điều đang khiến anh phiền muộn."

“Nhưng tại sao tôi lại phải nghĩ đến một chuyện chán nản như vậy chứ?”

“Những người giàu ở phương Tây chưa bao giờ chạm vào xác chết, những vết thương hay những thứ đang thối rữa. Đó là vấn đề. Chúng ta là con người. Chúng ta cần sẵn sàng cho giây phút chúng ta lìa đời.”

Bhutan: Vùng đất nơi hạnh phúc ngự trị, cấm địa của nỗi buồn ảnh 2Tượng Phật Dordenma ở Thimphu. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Nơi chốn, cũng như con người, luôn khiến chúng ta thấy ngỡ ngàng, miễn là chúng ta suy nghĩ cởi mở và không bị áp đặt bởi những gì đã biết trước đó. Bhutan, đất nước nằm trên dãy Himalaya này nổi tiếng nhất với chính sách Hạnh phúc Quốc gia. Đây là vùng đất nơi hạnh phúc ngự trị và nỗi buồn không được bén mảng đến. Bhutan thực sự là một nơi đặc biệt, nhưng sự đặc biệt ấy lại mang một sắc thái khác, và thành thật là không tươi sáng như hình ảnh về Shangri-La mà chúng ta luôn nghĩ đến.

Ura vẫn còn dễ dãi khi đề nghị tôi nghĩ đến cái chết một lần một ngày. Trong văn hóa Bhutan, người dân cần nghĩ đến cái chết 5 lần một ngày. Đó quả là một điều bất ngờ, nhất là với một quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới. Liệu có phải đằng sau niềm hạnh phúc là nỗi u ám và tuyệt vọng?

Không hẳn là như vậy. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, bằng việc thường xuyên nghĩ đến cái chết, người Bhutan đã đạt được một điều gì đó khác. Trong nghiên cứu thực hiện năm 2007, hai nhà tâm thần học thuộc đại học Kentucky là Nathan DeWall và Roy Baumesiter đã chia một nhóm sinh viên vài chục người ra thành hai nhóm.

Một nhóm được yêu cầu nghĩ về một buổi đi khám nha sỹ, còn nhóm kia thì được chỉ dẫn chiêm nghiệm về cái chết của chính mình. Sau đó, cả hai nhóm phải hoàn thành một số từ với các chữ cái được cho trước, ví dụ như “jo.” Nhóm thứ hai - những người nghĩ đến cái chết - tạo lập được nhiều từ có nghĩa tích cực, như “joy” (niềm vui).

Kết quả này khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng: cái chết là một yếu tố mang tính đe dọa về mặt tâm lý, nhưng khi chiêm nghiệm về nó, chúng ta sẽ tự động tìm đến những suy nghĩ vui vẻ.

Tôi tin chắc kết quả này sẽ không khiến Ura hay bất cứ người Bhutan nào thấy bất ngờ. Họ hiểu cái chết là một phần của cuộc sống, dù chúng ta có muốn hay không, và chúng ta sẽ phải trả một cái giá về mặt tâm lý rất lớn nếu phớt lờ sự thật hiển nhiên này.

Không như người phương Tây, người Bhutan không trốn tránh cái chết. Hình ảnh về cái chết ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong những tranh tượng vừa đầy màu sắc mà cũng vừa ghê rợn. Không ai ở Bhutan, kể cả trẻ con, lại không được thấy những hình ảnh đó, hay tham gia những vũ điệu nghi lễ tái hiện lại cái chết.

Người Bhutan luôn nghĩ về cái chết bởi nó luôn ở quanh họ. Tại một quốc gia nhỏ bé, có rất nhiều cách để chết. Bạn có thể gặp tai nạn trên những con đường quanh co và lộng gió. Bạn có thể bị gấu tấn công, ăn phải nấm độc, hay chết vì kiệt sức. Một lý do nữa là vì người Bhutan rất tin vào đạo Phật, đặc biệt là những niềm tin về kiếp sau. Nếu biết rằng bạn sẽ được tái sinh, bạn sẽ bớt sợ hãi việc phải kết thúc kiếp sống hiện tại hơn. Như những Phật tử thường nói, cái chết cũng không khác gì bỏ đi những quần áo đã cũ.

Thái độ bình thản trước cái chết không có nghĩa là người Bhutan không biết sợ hãi hay buồn đau. Nhưng như Linda Leaming, tác giả cuốn “Cẩm nang tới Hạnh phúc: Những điều tôi học được ở Bhutan” đã nói, họ không trốn chạy những cảm xúc đó. “Người phương Tây muốn sửa đổi mọi thứ khi thấy buồn. Chúng ta sợ nỗi buồn. Đó là thứ cần phải vượt qua. Nhưng người Bhutan lại chấp nhận nó, như một phần của cuộc sống.”

Bản thân tôi vẫn luôn ghi nhớ bài học của Ura. Tôi đặt mục tiêu nghĩ đến cái chết ít nhất một lần mỗi ngày, trừ phi tôi cảm thấy quá căng thẳng hay bị nỗi sợ hãi ập tới. Rồi tôi bắt đầu nghĩ đến cái chết hai lần một ngày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục