Bệnh viện vượt thu, lạm dụng dịch vụ, đẩy gánh nặng lên người nghèo?

Kết quả kiểm toán cho thấy tại một số bệnh viện còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết.
Bệnh viện vượt thu, lạm dụng dịch vụ, đẩy gánh nặng lên người nghèo? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả kiểm toán cho thấy tại một số bệnh viện còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết. Những điều này đã làm tăng gánh nặng lên vai người bệnh, đặc biệt là những người nghèo, người không tham gia bảo hiểm y tế.

Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 đã nêu lên những vấn đề này tại hội thảo "Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước" ngày 18/1.

Thu vượt khung, ngoài danh mục

Vấn đề được ông Thăng nêu lên là để tăng doanh thu một số bệnh viện tuyến Trung ương thay vì tập trung vào nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo nhân lực, chữa trị những trường hợp phức tạp thì lại mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và các dịch vụ y tế thông thường.

[Kiểm toán Nhà nước "chỉ mặt" loạt sai phạm tại Sở Y tế Bình Dương]

Trong khi ấy, những dịch vụ y tế thông thường vốn các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến thành công của việc thực hiện chính sách tự chủ. Chưa kể, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phá vỡ kế hoạch phát triển y tế cơ sở vốn đã được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn tương đối lớn trong nhiều năm qua.

Ông Thăng cũng chỉ ra, việc chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ” là điều kiện cơ bản để thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tăng sự lựa chọn của người sử dụng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có tình trạng các mức thu vượt khung giá quy định, thu tiền thuốc, vật tư, hóa chất vượt so với giá trúng thầu.

Theo ông, tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập hiện nay đang tồn tại một số khoản thu không thuộc danh mục giá dịch vụ khám, chữa bệnh, theo như cách ông Thăng gọi là "chi phí đi kèm dịch vụ y tế."

Tuy vậy, đại diện Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn, cho đến nay chưa có cơ chế quy định rõ ràng là có được thu hay không? Thu mức bao nhiêu? Các chi phí này là thực tế nhưng đã có trong giá dịch vụ hay chưa?

"Đây là dấu hỏi đặt ra không chỉ cho các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ quan nhà nước," ông nói.

Kết quả kiểm toán cho thấy, các khoản thu này rất khác nhau ở các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau như dịch vụ người nhà, dịch vụ sử dụng quần áo bệnh viện, các dịch vụ đi kèm dịch vụ khám, chữa bệnh...

Theo ông, đây là vấn đề cơ chế cần làm rõ để các cơ sở khám, chữa bệnh dễ dàng thực hiện, tránh rủi ro.

Liên kết nở rộ: Tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm

Một nội dung không thể không nhắc tới theo ông Lê Đình Thăng là tình trạng liên doanh, liên kết khi thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

Hiện nay các bệnh viện được quyền liên doanh liên kết với đối tác ngoài để đầu tư trang thiết bị và thực hiện khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo ông, kết quả kiểm toán một số năm gần đây cho thấy tình trạng, tại một số đơn vị chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian thực hiện đề án liên doanh liên kết.

Ông cũng chỉ ra việc, giá máy móc nhập về khi đưa vào các bệnh viện đã đội giá "đáng kể" so với mức giá nhập khai báo tại cơ quan hải quan. Hoặc, một số đơn vị ký hợp đồng liên kết với thời gian thực hiện dài hơn thời gian khấu hao của máy móc thiết bị.

"Thời gian đáng lẽ chỉ 7 năm nhưng làm thành 15 năm, chi phí đó dồn vào người bệnh," ông Thăng nói.

Cũng nói về hợp tác, ông Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thừa nhận việc kết hợp giữa các đơn vị công để mở rộng cơ sở khám chữa bệnh là "bất lực." Tuy nhiên, việc hợp tác với đơn vị tư nhân lại gặp không ít lúng túng vì hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể.

Nói cụ thể, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, đặt câu hỏi về việc liên doanh để thành lập nên đơn vị sự nghiệp mới hay doanh nghiệp? Nếu liên kết để có đơn vị sự nghiệp mới thì theo ông thì nhà đầu tư không mặn mà vì "liên kết mà bệnh viện nắm hết."

"Nếu lập doanh nghiệp thì quản lý thế nào, bên ngoài tham gia vào hội đồng ra sao, hiện chưa có quy định nên vướng," ông nói.

Về phía kiểm toán, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong năm 2019, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn một số chủ đề trong đó có tự chủ với các cơ sở y tế công lập để thực hiện kiểm toán.

Việc này theo ông nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định của các đơn vị tới mức nào, còn vấn đề gì chưa đúng, nguyên nhân do đâu. Ngoài ra, qua kiểm toán, mục tiêu được ông Tiên nêu lên là xem xét các lỗ hổng trong chính sách tự chủ trong các cơ sở y tế công lập để từ kiến nghị sửa đổi, bổ sung./.

Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 nói về hạn chế của cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục