Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành sản: Giảm tải cho tuyến trung ương

Sự thiếu hụt trầm trọng cơ sở vật chất, bác sỹ chuyên môn giỏi đã khiến người dân các tỉnh đổ về các bệnh viện trung ương để được khám, chữa bệnh.
Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành sản: Giảm tải cho tuyến trung ương ảnh 1Bệnh viện vệ tinh góp phần giảm tải tuyến Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/ TTXVN)

Ngày 16/12, tại thành phố Lào Cai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị sơ kết các hoạt động thuộc đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành sản năm 2017 và kế hoạch năm 2018. Dự hội nghị có đại diện của 19 bệnh viện vệ tinh trong đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành sản của Bộ Y tế.

Trong thời gian qua, vấn đề quá tải tại các bệnh viện trung ương luôn gây nhiều khó khăn đối với nhiều bệnh nhân và cả các y bác sỹ. Sự thiếu hụt trầm trọng cơ sở vật chất, bác sỹ chuyên môn giỏi đã khiến người dân các tỉnh đổ về các bệnh viện trung ương để được khám, chữa bệnh. Trước thực trạng này, năm 2013, Bộ Y tế đã quyết định thông qua đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành sản nhằm đẩy lùi tình trạng này bằng việc thay đổi diện mạo cho các bệnh viện tuyến dưới.

Đề án Bệnh viện vệ tinh được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2013 - 2016, gồm 8 bệnh viện: Sản nhi tỉnh Quảng Ninh, Phụ sản tỉnh Hải Dương, Sản nhi tỉnh Bắc Ninh, Sản nhi tỉnh Vĩnh Phúc, Phụ sản tỉnh Nam Định, Sản nhi tỉnh Ninh Bình, Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, A Thái Nguyên. Giai đoạn 2, từ năm 2016 – 2020, gồm các bệnh viện: Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Sản nhi tỉnh Lào Cai, Sản nhi tỉnh Hưng Yên, Đa khoa tỉnh Yên Bái, Đa khoa tỉnh Hà Nam, Phụ sản tỉnh Thái Bình, Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới Quảng Bình, Đa khoa Tâm Anh, Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

[Khởi tố 2 điều dưỡng viên Bệnh viện Xanh Pôn làm giả giấy chuyển tuyến]

Trong đó, Bệnh viện Phụ sản Trung ương được chọn làm bệnh viện hạt nhân trong Đề án Bệnh viện vệ tinh. Trong thời gian phát triển đề án đã có 14 gói kỹ thuật được chuyển giao cho 19 bệnh viện vệ tinh gồm cấp cứu sản phụ khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh , phẫu thuật nội soi, giảm đau trong đẻ, hỗ trợ sinh sản, xử trí và dự phòng các tai biến trong sản phụ khoa, gây mê hồi sức trong sản khoa, soi và đốt điện cổ tử cung, siêu âm sản phụ khoa, xử trí sản bệnh lý, kỹ thuật cận lâm sàng trong sản... Cùng với đó, một số bệnh viện đã được chuyển giao toàn diện về cơ sở vật chất, máy móc cùng đội ngũ bác sỹ giàu chuyên môn, đáp ứng đủ điều kiện và quy chuẩn để phục vụ cho người dân địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, sau nhiều năm, đề án Bệnh viện vệ tinh đã góp phần giảm tải tuyến trên, giúp người dân được khám, chữa bệnh với trình độ chuyên môn cao và đỡ tốn kém thời gian, chi phí tại địa phương. Đồng thời, từ đề án Bệnh viện vệ tinh còn xây dựng được hệ thống chuyên ngành, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa bệnh viện trung ương với tuyến dưới, giúp các ca bệnh khó được hội chẩn, cứu chữa kịp thời. Cùng với đó, đề án đã giúp người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kỹ thuật khám, chữa bệnh phụ sản phức tạp, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến lên trung ương.

Tại Hội nghị, đại diện của một số bệnh viện vệ tinh mong muốn trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng như Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp tục tăng cường chuyển giao các gói kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn, trang thiết bị và dược. Cùng với đó là thêm nhiều nội dung mới trong truyền hình trực tuyến giúp nâng cao chuyên môn cho y, bác sỹ tuyến dưới. Đồng thời đưa cán bộ về tuyến dưới tham gia giảng dạy và tăng cường cho các bệnh viện trong đề án.

Hội nghị cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ sản phụ khoa của các tỉnh có bệnh viện vệ tinh, xem xét, đánh giá lại công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến, đề ra định hướng chiến lược công tác trong năm tới. Đây là dịp để các bác sỹ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và cùng giúp cho các nhà quản lý nắm bắt và hoạch định chính sách phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục