Hiện nay, trên cả nước có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân.
Riêng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các y bác sỹ đã thực hiện thành công trên 200 ca ghép gan và trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc.
Tính đến ngày 24/11/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội đã ghép thành công 204 ca ghép gan đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (202 ca).
Bệnh viện 108 lần đầu ghép gan bất đồng nhóm máu cho trẻ nhỏ
Sau 1 tuần ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định. Sức khỏe của người nhận phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.
Thiếu tướng Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay Bệnh viện cũng làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.
Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phân tích, những năm qua, các bác sỹ của Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau như: ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, ghép gan bất đồng nhóm máu… Đặc biệt, các bác sỹ đã ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép và ghép gan, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt ghi những dấu ấn sâu sắc.
Ca ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện được thực hiện vào tháng 10/2017. Đó là ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống (con trai hiến gan ghép cho mẹ). Nối tiếp thành công của ca ghép trên, Bệnh viện đã tổ chức thực hiện ghép gan thường quy hàng tuần, trung bình mỗi tuần 1-2 ca; tần suất thực hiện các ca ghép tăng lên đáng kể, có tuần Bệnh viện triển khai ghép 5 ca ghép gan, có ngày thực hiện 2 ca ghép.
Tháng 11/2021 là thời điểm ghi dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của Bệnh viện trên bản đồ ghép tạng bằng sự kiện đặc biệt, đó là lấy mảnh gan ghép (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Tính đến nay, ở Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật này. Phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Trên Thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các Trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được.
Phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ đem lại nhiều lợi ích cho người hiến như can thiệp ít xâm lấn, giảm đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã có khoảng 20 trường hợp được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống.
Thiếu tướng Lê Hữu Song cho hay sau hơn 6 năm thực hiện đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người” tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đến nay các bác sỹ của Bệnh viện đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 800 ca ghép (308 ca ghép thận, 204 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 219 ca ghép tế bào gốc điều trị đột quỵ và xơ gan mất bù, 52 ca ghép tủy, 3 ca ghép chi thể…)
Các ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên Thế giới, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.
Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40-50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100-150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều (chỉ bằng 1/7 đến 1/8) so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở nước ta.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Quân đội tiếp tục triển khai ghép gan cấp cứu; Thực hiện thường quy kỹ thuật lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi; Thực hiện cắt toàn bộ gan người nhận bằng kỹ thuật nội soi tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi; Đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan…
Mục tiêu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về phát triển ghép mô bộ phận cơ thể người đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên Thế giới./.