Bệnh viện ở Hà Nội: Mải chuyên môn, lơ là an ninh, trật tự

Tình trạng mất an ninh, trật tự tại các bệnh viện trong khu vực bệnh viện thực sự đã trở thành một vấn nạn nhức nhối của xã hội.
An ninh bệnh viện đang là một lỗ hổng trong khi tình trạng quá tải bệnh viện ngày càng căng thẳng. (Ảnh: TTXVN)

Tình trạng mất an ninh, trật tự tại các bệnh viện trong khu vực bệnh viện thực sự đã trở thành một vấn nạn nhức nhối của xã hội.

Một số vụ gây kinh hoàng dư luận như cuộc truy sát nhau của nhóm côn đồ trong phòng cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (hồi tháng 9/2013) và mới đây nhất là vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau một loạt những sự vụ kể trên, không thể không đặt câu hỏi rằng ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về an ninh bệnh? Và sẽ còn những điều tồi tệ gì nữa xảy ra khi mà việc đảm bảo an ninh bệnh viện đang là một lỗ hổng.

Bệnh viện Bạch Mai: Hơn 2 vạn người vào ra/ngày

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh khẳng định, tình trạng bệnh viện nhốn nháo xảy ra trong mấy năm gần đây là do các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, y đức, thái độ ứng xử của một số nhân viên y tế và các sự cố y khoa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan… đã phần nào gây ra sự bức xúc của người dân.

Thêm vào đó tình trạng quá tải ở một số bệnh viện đã tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi; trách nhiệm, quản lý bệnh viện của lãnh đạo các bệnh viện còn buông lỏng và thiếu sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã khiến công tác bảo đảm an ninh trên địa bàn bệnh viện gặp nhiều khó khăn…

Một trong những tệ nạn xã hội nổi bật ở khu vực bệnh viện là nạn trộm cắp tài sản.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2012, trên cả nước có 1.180 bệnh viện (không tính các bệnh viện do Bộ Quốc phòng quản lý) với bình quân 25,4 giường bệnh/10.000 dân và 7,4 bác sỹ/10.000 dân nên bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Vì vậy, việc bệnh viện đông đúc, nhốn nháo, lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự của bệnh viện mỏng cộng với tâm trạng lo lắng, mệt mỏi vì bệnh tật của người bệnh và người nhà của bệnh nhân là cơ hội để trộm cắp hoành hành.

Như ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng, tại bệnh viện có rất đông bệnh nhân đến khám bệnh. Mỗi ngày tại bệnh viện này có khoảng 6.000 bệnh nhân ngoại trú, 3.700 bệnh nhân nội trú, thêm vào đó toàn bệnh viện có 2.500 cán bộ công nhân viên, thực tập viên là 1.000. Người nhà người bệnh khoảng 8-9.000 người một ngày. Như vậy, một ngày, số lượng người vào bệnh viện ước khoảng trên dưới 20.000 người.

Ông Hiền khẳng định, với số lượng nhiều như vậy nên việc đảm bảo an ninh là một trong những công tác đặc biệt quan trọng của bệnh viện. Tuy nhiên, vì số lượng người quá đông như vậy nên không thể tránh được nạn móc túi, lừa đảo, cò mồi.

 
Nườm nượp bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TTXVN)

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng hàng đoàn dài xe taxi bám đuôi nhau, nhích từng bước, gây ách tắc đường suốt từ cổng viện kéo dài tới cả km lên đường Đê La Thành là hình ảnh thường thấy trong những giờ cao điểm.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, vào giữa tháng Tư vừa qua, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải với hơn 3.500 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, hơn 1.700 bệnh nhân điều trị nội trú. Vì vậy tình trạng quá tải là điều khó tránh.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Trưởng phòng hành chính Quản trị, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay với số lượng bệnh nhân lớn như vậy, trong khi người nhà bệnh nhân tới bằng hai phương tiện chủ yếu là xe máy và ôtô, nên việc gây ách tắc, cản trở giao thông khó tránh khỏi. Thêm vào đó, hiện nay bệnh viện đang trong tình trạng xây dựng, nên hiện tại rất khó khăn nên quỹ đất làm bãi gửi xe vẫn còn hạn chế.

Theo bà Hoa, để đảm bảo an ninh trong bệnh viện, ban giám đốc bệnh viện đã ký kết hợp tác thuê hơn 100 nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp từ bên ngoài để giữ gìn an ninh. Mặt khác, để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc trước cổng viện, bệnh viện đã phối hợp với cảnh sát khu vực phân luồng giao thông cửa vào, cửa ra đối với các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, theo bà Hoa, để chấm dứt được tình trạng ùn tắc là một chặng đường dài mà bệnh viện đang nỗ lực.

 
Bầu không khí ngột ngạt vì người, xe và tiếng ồn đủ loại luôn bao trùm con phố ngắn dẫn vào cổng Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Lỗ hổng về pháp lý

Theo giáo sư Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh tại bệnh viện, song chủ yếu là do tình trạng quá tải bệnh viện; do quy trình tiếp nhận bệnh nhân, thăm khám còn bất cập, chưa đồng bộ; công tác quản lý y tế chưa thành hệ thống...

Một nguyên nhân quan trọng nữa là lực lượng an ninh chưa đạt cả về số lượng và chất lượng, hệ thống kỹ thuật an ninh hỗ trợ chưa có hoặc chưa đầy đủ.

Phân tích về vấn đề này, theo thạc sỹ Nguyễn Đình Thuyên - Ban tuyên giáo Trung ương, một trong những nguyên nhân quan trọng là nhận thức của xã hội về vấn đề an ninh bệnh viện còn hạn chế.

Đầu tiên là các cấp ủy, đảng, chính quyền nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm một cách toàn diện vấn đề này. Trước hết, việc phân bổ ngân sách địa phương và đầu tư trang thiết bị để tăng cường công tác đảm bảo an ninh bệnh viện hầu như không có, đa phần các bệnh viện đều phải tự trang bị theo khả năng hiện có.

Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tính đến thời điểm hiện tại chưa đầy đủ và đồng bộ. Trong các văn bản pháp quy đã được ban hành, số lượng văn bản, điều khoản quy định về thắt chặt an ninh, trật tự trong khu vực bệnh viện, bảo vệ tài sản, tính mạng, của người bác sỹ là rất ít và không cụ thể.

Thêm vào đó, trong những năm qua, ngành y tế luôn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như dịch bệnh liên tục bùng phát, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, tai biến y khoa thường xuyên rình rập...

Vì vậy, sự quan tâm của lãnh đạo ngành y tế về công tác đảm bảo an ninh bệnh viện còn hạn chế. Tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” là phổ biến, bởi hầu hết các bệnh viện chú trọng nhiều đến công tác chuyên môn, chứ chưa thực sự quan tâm tới công tác đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện.

Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Viện Sức khỏe cộng đồng - tỏ ra rất lo ngại: “Đã đến lúc chúng ta không thể để mãi tình trạng như thế được vì nó đe dọa đến vấn đề hiệu quả của điều trị bệnh nhân đồng thời đe dọa cả chất lượng phục vụ của bác sỹ và sẽ dẫn đến tình trạng hiện tượng suy giảm lòng tin của công chúng vào cái hết sức cấp thiết, đấy là vấn đề nhân đạo, khám chữa bệnh”./.

Bài 3: Trách nhiệm lại được quy về cho… tập thể

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục