Bệnh viện K: Sẽ thay 1 tấn túi nilon mỗi tháng bằng túi sinh học

Bệnh viện K đã triển khai một số hoạt động nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và sẽ tiếp tục đẩy mạnh bằng việc lên phương án thầu để mua túi phân huỷ sinh học thay thế cho túi nilon.
Những chiếc túi phân huỷ sinh học sẽ được sử dụng thay thế cho túi nilon. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện K sử dụng gần 1 tấn túi nilon để đựng rác. Và, đơn vị này đang xây dựng các phương án thầu để mua túi phân huỷ sinh học thay thế cho túi nilon để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

Bác sỹ Trần Thị Tuyết Mai - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện K) cho biết như vậy tại Hội nghị “Giảm thiểu chất thải nhựa trong Bệnh viện K” nhằm hưởng ứng chủ trương về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế diễn ra chiều 28/8.

[Hội thảo quốc tế về giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương]

Phó giáo sư Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho hay, trên cả nước, ngành y tế có hơn 13.000 cơ sở y tế, khoảng 150 triệu bệnh nhân nội trú, 450 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú hàng năm, vì vậy chất thải từ các nguồn trên là rất lớn.

Tại Bệnh viện K đã triển khai một số hoạt động nhằm giảm thiểu chất thải nhựa như đối với đồ ăn của người bệnh đưa đến phòng bệnh phải dùng đồ tái chế, sử dụng nhiều lần.

Trong việc cung cấp bữa ăn cho bệnh nhân, thay vì cho cháo vào cốc nhựa, bệnh viện sử dụng chai thuỷ tinh đựng cháo để nước canh vào bát có nắp thay cho hộp nhựa như trước, sử dụng khay đựng đồ ăn tái sử dụng.

Với hoạt động phát cháo từ thiện, tại các khoa, phòng bệnh... đã tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân mang cặp lồng đi lấy cháo thay vì đi "tay không" và lấy cháo bằng hộp nhựa.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã tiến hành thay các hộp đựng chất thải dùng một lần trên xe tiêm ở các khoa, phòng bằng xô tái chế và vệ sinh sạch để dùng lần sau.

Bệnh viện cũng đang làm kế hoạch chuyển đổi 4 loại túi dùng một lần các màu trắng, đen, vàng, xanh trong các khoa, phòng thành các túi hữu cơ phân huỷ được làm bằng bột sắn. Với túi đựng thuốc của người bệnh, trước kia đều để túi nilon, thời gian tới sẽ được thay bằng túi giấy.

Các đơn vị trong bệnh viện cũng đưa ra lộ trình tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng./.

Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018; khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương. Hơn 1 nửa trong số này là rác thải nhựa từ các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục