Ngày 9/8, tại địa chỉ 43 Quán Sứ, Hà Nội, Bệnh viện K đã tổ chức Lễ khánh thành tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie trong khuôn viên bệnh viện nhằm tôn vinh, tri ân những công lao to lớn của nhà khoa học Marie Curie với khoa học nói chung và chuyên ngành ung thư nói riêng.
Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp; 25 năm ngày ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác y tế và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Bệnh viện K (17/7/1969-17/7/2019).
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong những năm qua, lĩnh vực y tế luôn được Chính phủ Việt Nam và Pháp coi trọng, là một trong những trụ cột hợp tác chính giữa hai nước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đặc biệt là sự hỗ trợ của Cộng hòa Pháp trong việc đào tạo cho Việt Nam hơn 3.000 bác sỹ nội trú Việt Nam tại Pháp và 1.500 bác sỹ sau đại học tại Việt Nam với các chuyên ngành đào tạo rất đa dạng gồm Thần kinh, Răng hàm mặt, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật tạo hình, Ngoại khoa, Ung thư, Chẩn đoán hình ảnh, Sản khoa, Lão khoa…
Các bác sỹ được đào tạo đều đã trở thành những giáo sư, bác sỹ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành và rất nhiều trong số đó là những lãnh đạo chủ chốt của ngành y tế Việt Nam.
[Những xét nghiệm cần thiết phát hiện sớm ung thư trực tràng]
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và An sinh xã hội Cộng hòa Pháp đã ký kết Ý định thư giữa hai Bộ Y tế trong những lĩnh vực gồm đào tạo nguồn nhân lực y tế cho Việt Nam, đặc biệt là đào tạo bác sỹ và nhân viên y tế, cán bộ quản lý và lãnh đạo y tế, thanh tra y tế, quản lý bệnh viện và chăm sóc người cao tuổi; phòng chống các bệnh lây nhiễm, tập trung vào công tác phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh lao, sốt rét, viêm gan virus và các bệnh truyền nhiễm mới nổi; y tế công cộng, y học dự phòng đặc biệt là phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá và các chất gây nghiện, sức khỏe tâm thần cho trẻ em và vị thành niên, vấn đề kháng kháng sinh; xây dựng chính sách và khung pháp lý cho việc truyền máu và ghép tạng.
Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế-xã hội, Việt Nam cũng đã có nhiều thành tựu trong công tác phòng chống ung thư: từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng 5-10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng; nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Bệnh viện K đã trở thành bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ung bướu của cả nước với 3 cơ sở khang trang, hiện đại, quy mô 2.400 giường bệnh (đứng thứ 2 trên cả nước), 1.375 cán bộ nhân viên, 74 viện, trung tâm, khoa, phòng, bộ phận trực thuộc với trình độ khám chữa bệnh tiên tiến, trang thiết bị y tế hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật cao ngang tầm với các nước trong khu vực, đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của một bệnh viện hạng đặc biệt.
Không chỉ nỗ lực trong phòng chống ung thư, Bệnh viện K còn góp phần cùng với các đồng nghiệp xây dựng hoàn thiện khoa ung bướu ở nhiều tỉnh, thành phố hình thành mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 8 bệnh viện chuyên ngành, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của người dân.
Qua tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, hiểu biết về bệnh ung thư trong nhân dân đã được nâng cao, ý thức phòng ngừa, phát hiện bệnh đã được cải thiện./.
Nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie (7/11/1867-4/7/1934) là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp, đã tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng phóng xạ trong y học như một phương tiện quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học.
Bệnh viện K được thành lập từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương (Insitut Curie de L’Indochine) ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do ông Pièrre Moullin phụ trách.
Ngay trong những ngày đầu thành lập Viện, nhà khoa học Marie Curie đã gửi những tuýp Radium từ Pháp về Viện để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân; sau này bản thân nhà khoa học Marie Curie cùng gia đình như người cháu ruột là Giáo sư Hélene Langevin-Jolio, Đại học Paris South Orsay đã có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, xây dựng và phát triển Viện cũng như trong công tác vận động hỗ trợ các nguồn lực cho Viện./.