Bệnh viện K đầu tư xây dựng cơ sở 4 để phát triển kỹ thuật cao

Theo ước tính của Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2022, Việt Nam có đến hơn 180.000 ca mới mắc và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Giáo sư Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện K sẽ đầu tư, xây dựng cơ sở 4 để phát triển kỹ thuật cao như xạ trị proton, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới. Trong năm nay, bệnh viện cũng đã đưa cơ sở 1 vào hoạt động, dự kiến đến quý 1/2025 sẽ đưa toàn bộ cơ sở K1 vào hoạt động.

Giáo sư Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết như vậy tại buổi Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường quan hệ hợp tác trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư giữa Bệnh viện K và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam diễn ra ngày 2/10, tại Hà Nội.

Giáo sư Lê Văn Quảng phân tích, bệnh ung thư là bệnh tương đối đặc biệt với nhiều khía cạnh. Về mặt tâm lý, việc mắc bệnh ung thư cũng khiến bệnh nhân dễ trầm cảm vì lo lắng không biết tương lai ra sao. Đặc biệt, bệnh ung thư ảnh hưởng khá nhiều đến kinh tế của người bệnh, bởi việc điều trị dài ngày, thuốc mới, kỹ thuật mới đều rất đắt tiền. Đó là gánh nặng với cả bệnh nhân và cộng đồng.

Theo Giáo sư Quảng, bệnh ung thư luôn đi đôi với vấn đề tâm thần, tâm lý bệnh nhân ung thư khác nên việc điều trị rất đặc thù, đặc biệt. Vì vậy, việc luôn luôn cập nhật kiến thức, đào tạo qua hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo là cần thiết. Hoạt động này cần duy trì liên tục trong tương lai để các bệnh nhân ung thư được hưởng kỹ thuật mới, thuốc mới, tiến bộ mới khác.

Hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ chuyên môn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe người dân; tăng cường kết nối và hợp tác với các tổ chức, chuyên gia ung bướu trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động đào tạo, giáo dục y tế và các hoạt động hướng tới lợi ích của người bệnh và cộng đồng.

Hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường quan hệ hợp tác trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, hai bên nâng cao năng lực, kinh nghiệm của cán bộ y tế trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh ung thư thông qua các hoạt động đào tạo, huấn luyện, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn; chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế thông qua các buổi sinh hoạt khoa học trong và ngoài bệnh viện; kết nối, hòa nhập và tham gia hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực ung bướu, dược lâm sàng từ các hội nghị trong và ngoài nước.

Ung thư luôn là thách thức và là gánh nặng của hệ thống y tế trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ước tính của Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2022, Việt Nam có đến hơn 180.000 ca mới mắc và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Mỗi năm tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong, trong đó bệnh ung thư là nguyên nhân đứng thứ hai.

Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng nằm trong số 4 bệnh ung thư thường gặp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, theo thống kê GLOBOCAN 2022, số ca mắc mới 16.800 và khoảng 8.400 ca tử vong hằng năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục