‘Bệnh viện K cần sớm trở thành Trung tâm ung bướu hàng đầu khu vực’

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh nói chung đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn trên thế giới và cả Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie do Bệnh viện K tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bệnh viện cần phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, có khát vọng, chiến lược, phấn đấu sớm trở thành một Trung tâm ung bướu hàng đầu trong khu vực, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.

Cần đẩy mạnh sàng lọc phát hiện sớm ung thư

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho hay trong bối cảnh dịch bệnh nói chung đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Vì vậy, việc phòng, chống căn bệnh này được Đảng, nhà nước và Nhân dân giao phó cho đội ngũ y bác sỹ chuyên ngành ung thư nói chung và Bệnh viện K nói riêng.

[Liệu pháp CAR-T điều trị ung thư: Việt Nam bắt kịp tiến bộ Thế giới]

Phó Thủ tướng yêu cầu Bệnh viện cần làm tốt công tác khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư bằng các phương pháp từ đơn giản có thể thực hiện được ở tuyến cơ sở đến các phương pháp hiện đại ở các bệnh viện chuyên khoa sâu về ung thư, các bệnh viện tuyến trung ương. Bởi bệnh ung thư phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít, giảm gánh nặng về tài chính cho người bệnh.

Do vậy, Bệnh viện cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu. Đặc biệt, bệnh viện phải phát huy hiệu quả Trung tâm Phẫu thuật robot, Trung tâm Pha chế thuốc tập trung, triển khai kỹ thuật xạ phẫu, sớm áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại của thế giới như xạ trị proton, i-on nặng...

Bệnh viện K cũng cần tiên phong trong Chuyển đổi Số, ứng dụng với các thành tựu Khoa học Công nghệ như trí tuệ nhân tạo, kết nối với các cơ sở điều trị hàng đầu trong khu vực, trên thế giới để bệnh nhân ung thư được tiếp cận với các bác sỹ giỏi nhất, phương tiện hiện đại nhất.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức và cá nhân tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là vấn đề đầu tư mua sắm thêm máy móc, các trang thiết bị y tế chuyên dụng... để Bệnh viện K hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ ưu tiên dành các nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, nghiên cứu, Chuyển đổi Số… để giảm, phòng ngừa bệnh ung thư ở Việt Nam; cùng với đó là hoàn thiện các cơ chế chính sách để nâng cao thu nhập, tôn vinh xứng đáng đội ngũ cán bộ y tế.

Khám chữa bệnh cho hơn 400.000 người dân mỗi năm

Giáo sư Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết Bệnh viện K, tiền thân là Viện Curie Đông Dương được thành lập tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do ông Pierre-Émile-Marius Mourlan (người Pháp) phụ trách. Viện đã áp dụng thành tựu các công trình nghiên cứu của Nhà khoa học Marie Curie để điều trị cho người bệnh.

Giáo sư Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ ngày 06/07/1926, Viện Curie Đông Dương được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương và xây dựng toà nhà chính tồn tại cho đến ngày nay với sự đóng góp của những nhà hảo tâm, là các nhà tư sản và một số quan chức người Pháp. Ngoài công tác điều trị, Viện Radium còn là trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư duy nhất tại khu vực Đông Dương vào thời điểm đó.

Viện Radium Đông Dương chính thức được bàn giao từ phía người Pháp cho Chính phủ Việt Nam vào năm 1957 và năm 1959, Viện được sáp nhập vào Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức) và trở thành khoa Ung thư của bệnh viện từ năm 1959 đến năm 1969.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu ngày càng cao của người dân, được sự đồng ý của Chính Phủ, ngày 17/07/1969, Bộ Y tế đã ra quyết định số 711/BYT-QĐ về việc thành lập Bệnh viện K. Từ đây, ngành ung thư Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước, Bệnh viện K đã khám chữa bệnh cho hơn 400.000 người dân mỗi năm. Bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thế hệ mới; hệ thống gia tốc đa mức năng lượng và PET- CT kỹ thuật cao; trang bị hệ thống gia tốc xạ phẫu có bộ chuẩn trực 160 lá hệ thống Gamma Knife đều là hệ thống xạ trị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay ứng dụng vào điều trị cho người bệnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Viện Curie - Cộng hòa Pháp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong phẫu thuật bệnh viện có hệ thống phẫu thuật robot thế hệ Xi hiện đại nhất thế giới; với hoạt động nội khoa thì việc đưa vào hoạt động trung tâm pha chế thuốc tập trung là điểm sáng giúp chuẩn hóa quy trình pha chế, hỗ trợ các khoa nội của bệnh viện trong quá trình điều trị cho người bệnh…

Cũng tại Lễ Kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Viện Curie - Cộng hòa Pháp; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Kỷ niệm chương vì Sức khỏe nhân dân cho 4 chuyên gia quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ tin tưởng với truyền thống lịch sử 100 năm, Bệnh viện K sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của 54 năm xây dựng và trưởng thành, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác phòng chống ung thư, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục