Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay chỉ có 8 bác sỹ trên 10.000 người dân, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện cấp 1 và cấp 2 là 120-160%.
Trong khi đó, có tới 35% thời gian nhân viên các khoa phòng của bệnh viện mất nhiều thời gian cho các công việc không liên quan tới chăm sóc bệnh nhân như bổ sung vật tư y tế thường xuyên, ghi chép sổ sách giấy tờ thủ công… chiếm mất nhiều thời gian.
[Thêm cơ hội khám chữa bệnh trong kỷ nguyên cách mạng 4.0]
Thông tin trên được các chuyên gia chuyên ngành Hồi sức tích cực đưa ra tại hội thảo chuyên đề về quản lý bệnh viện thông minh và Triển lãm trang thiết bị y tế theo mô hình bệnh viện hiện đại diễn ra ngày 24/8 tại Hà Nội.
Tham luận tại hội thảo, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ – Trưởng Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, đặc trưng của Khoa hồi sức tích cực là hầu hết các bệnh nhân đều ở giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân trong tình trạng nặng từ khắp nơi chuyển đến.
Tại Khoa có rất nhiều máy móc hỗ trợ cho bệnh nhân như máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO), máy thở, máy lọc máu, máy sốc điện, cần nhân viên y tế theo dõi liên tục 24/24 giờ. Trong khi một điều dưỡng phải chăm sóc 3-4 bệnh nhân vì thiếu nhân lực.
Chính vì vậy các bệnh viện và ngành y tế càng cần có các giải pháp công nghệ thông minh để theo dõi, quản lý trang thiết bị và vật tư y tế giúp nhân viên y tế.
Phó giáo sư Cơ dẫn chứng: “Về quản lý vật tư, thiết bị y tế quả thực hiện tại hết sức còn lúng túng, quản lý hầu hết bằng giấy tờ, sổ sách, có phần mềm nhưng thô sơ và đơn giản. Việc quản lý chính vẫn thông qua giấy tờ và sổ sách. Việc hồ sơ bệnh án của một bệnh nhân nặng tới mấy kg là chuyện bình thường. Hiện tại với cách quản lý cũ chúng ta vẫn mang nặng giấy tờ sổ sách, chưa khoa học, ảnh hưởng làm mất nhiều thời gian của nhân viên y tế.”
Theo bác sỹ Cơ, qua theo dõi những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tình trạng trên hầu hết cũng diễn ra ở tất cả các bệnh viện phía Bắc.
Tại hội thảo, bác sỹ Tạ Anh Tuấn - Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bệnh viện có 1.500 giường, điều trị nội trú 1.700 giường, bệnh nhân khám ngoại trú từ 3.000-5.000 lượt/ngày, có khoảng 1 triệu bệnh nhân tới khám tại bệnh viện/năm.
Ở Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) một tháng thực hiện khoảng 1.200 – 1.300 thủ thuật và có khoảng 12.700-15.000/các loại xét nghiệm tiến hành trong một tháng.
Theo bác sỹ Anh Tuấn, về quản lý dữ liệu theo dõi bệnh nhân: Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện đơn giản, bệnh án giấy, sổ ghi chép vẫn là chính, phần việc quản lý xét nghiệm chưa liên kết được bệnh án điện tử. Trong khi đó một ngày 1 điều dưỡng phải chăm sóc từ 4-5 bệnh nhân thở máy.
Nhân viên y tế thực hiện y lệnh điều trị chăm sóc cho bệnh nhân vẫn chủ yếu là ghi chép thủ công như: theo dõi các chỉ số sinh tồn, ghi chép vào phiếu chăm sóc, ghi chép các trang thiết bị vật tư vào phiếu theo dõi sử dụng vật tư.
Việc ghi chép bằng giấy tờ thủ công có thể gây ra những thất thoát về chi phí y tế như không tập hợp đầy đủ y lệnh điều trị, xét nghiệm, thủ thuật…
“Bởi vậy, tại Khoa Điều trị tích cực có nhiều bảng kê chi phí điều trị không chính xác thiếu hoặc thừa chi phí. Chẳng hạn như năm 2017 thống kê chi phí điều trị không chính xác phải kiểm tra lại 1 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 cũng phải kiểm tra lại 340 triệu đồng,” bác sỹ Tuấn Anh phân tích.
Chính vì vậy, các chuyên gia về hồi sức tích cực cho hay, những điều đó là cho nhân viên y tế quá tải công việc, thiếu thời gian chăm sóc bệnh nhân có thể dẫn tới nhầm lẫn y lệnh, xét nghiệm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị chăm sóc.
Do đó, các bệnh viện cần đẩy mạnh việc áp dụng và triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện thông minh hay các máy monitor theo dõi bệnh nhân thông minh sẽ giúp nhân viên y tế giảm bớt được nhiều thời gian và bớt áp lực hơn để nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh./.