Bệnh viện FV bị tố sáng bảo không có thai, chiều bảo sảy thai

Bệnh nhân tố Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh không phát hiện bệnh nhân mang thai đã cho uống thuốc phá thai vì đau bụng và rong kinh.

Liên quan đến vụ việc bệnh nhân tố Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh không phát hiện bệnh nhân mang thai đã cho uống thuốc phá thai, chiều 26/6, lãnh đạo Bệnh viện FV cho biết đã mời hội đồng chuyên môn là các chuyên gia đầu ngành về sản khoa của Thành phố Hồ Chí Minh phân tích hồ sơ bệnh án và khẳng định, bệnh viện chẩn đoán, chỉ định điều trị đúng chuyên môn.

Anh H.H.Th - chồng của chị Nguyễn Thị M.Ch - cho biết ngày 19/6, vợ anh đến Bệnh viện FV (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) để khám vì đau bụng và rong kinh. Tại đây, chị Nguyễn Thị M.Ch. được bác sỹ khám, siêu âm và thử nước tiểu với kết luận không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung.

Bác sỹ đã kê đơn thuốc gồm 10 viên Misoprotol tab 200mcg nhằm đẩy dịch tụ trong tử cung ra ngoài.

Tuy nhiên, đến tối 19/6, bệnh nhân bị băng huyết và quay trở lại bệnh viện cấp cứu. Lúc này các bác sỹ đã thực hiện test nhanh và kết luận bệnh nhân bị băng huyết do sảy thai.

Không chấp nhận việc trong cùng một ngày, Bệnh viện FV đưa ra hai kết quả khác nhau nên sau khi không tìm được tiếng nói chung với bệnh viện, chị Nguyễn Thị M.Ch. đã quyết định đăng thông tin lên mạng xã hội.

“Chúng tôi chỉ muốn biết tại sao buổi sáng bác sỹ nói vợ tôi không có thai, cho uống thuốc phá thai để đẩy dịch trong tử cung ra ngoài nhưng buổi tối thì kết luận vợ tôi có thai? Thai có bị chết lưu trước khi các bác sỹ can thiệp hay không?” anh H.H.Th thắc mắc.

Trả lời vấn đề này, ông Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc Bệnh viện FV, cho biết ngày 19/6, bệnh nhân Nguyễn Thị M.Ch đến bệnh viện trong tình trạng rong kinh nhiều ngày. Trên siêu âm, các bác sỹ chỉ thấy tụ dịch trong tử cung, thực hiện test nhanh bằng que thử thai các bác sỹ không phát hiện bệnh nhân có thai nên quyết định điều trị theo hướng bệnh nhân không có thai.

“Khi kết hợp siêu âm và test nhanh không thấy dấu hiệu có thai hay thai ngoài tử cung nên không cần thiết phải thực hiện xét nghiệm khác,” ông Jean-Marcel Guillon khẳng định.

Tuy nhiên, bệnh nhân bắt đầu chảy máu nhiều vào tối muộn và quay lại bệnh viện lúc 23 giờ 30 phút cùng ngày (19/6). Lúc đó, xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu có kết quả dương tính. Bệnh nhân đã được điều trị bằng hút lòng tử cung cầm máu và xuất viện vài ngày sau đó.

Lý giải về việc buổi sáng kết luận bệnh nhân không mang thai, ông Jean-Marcel Guillon cho rằng vì kết quả xét nghiệm thai nhanh qua nước tiểu là âm tính, siêu âm không thấy túi thai. Tuy nhiên, vì có tụ dịch máu trong tử cung nên các bác sỹ phải quyết định điều trị tháo lưu máu.

Ông Jean-Marcel Guillon cho biết thêm nếu như xét nghiệm thai nhanh bằng nước tiểu được thực hiện vào buổi sáng cho kết quả là dương tính, thì bác sỹ đã có thể thông báo là bệnh nhân có thai và thai đã bị hư, nguyên nhân có thể do bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp vài tuần trước đó. Trong trường hợp này, bác sỹ cũng sẽ quyết định điều trị bằng cách tháo lưu máu.

“Dù kết quả xét nghiệm thử thai bằng nước tiểu ban đầu dương tính cũng sẽ không thay đổi cách điều trị. Việc hư thai có thể là do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó. Đối với bệnh viện FV, việc thăm khám và chữa trị bệnh nhân được thực hiện theo quy trình của bệnh viện và dựa trên các chứng thực của y khoa,” ông Jean-Marcel Guillon khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục