Bệnh viện đa khoa Lai Châu cấp cứu 5 người bị ong rừng đốt

Cháu bé 8 tuổi bị ong đốt khi đang trên đường đi họcvề và 4 công nhân bị đàn ong khoái đuổi đốt khi đang đi phát tuyến đường nước đã ổn định, nhưng 3/5 trường hợp đang được theo dõi sát.
Bệnh viện đa khoa Lai Châu cấp cứu 5 người bị ong rừng đốt ảnh 1(Ảnh minh họa. Trần Quốc La/TTXVN)

Bác sỹ Hà Trung Dũng, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu), cho biết trưa 30/9, Bệnh viện tiếp nhận, cấp cứu liền hai vụ với năm bệnh nhân bị ong rừng đốt.

Vụ thứ nhất, nạn nhân là một cháu bé 8 tuổi, ở xã vùng cao Sùng Phài, huyện Tam Đường (Lai Châu), bị ong đốt khi đang trên đường đi học về. Vụ thứ hai là bốn công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây xựng và Cấp nước tỉnh Lai Châu bị đàn ong khoái đuổi đốt khi đang đi phát tuyến đường nước ở khu vực động Pusamcap (thuộc địa bàn phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu).

Các trường hợp này khi được đưa vào viện cấp cứu đều bị đau nhức, nổi mẩn ngứa, tê, phù nề. Các bệnh nhân đã được truyền dịch, chống viêm, điều trị triệu chứng.

Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, nhưng 3/5 trường hợp bị ong rừng đốt trên 10 mũi đang được theo dõi sát, điều trị đúng phác đồ. Nếu không được điều trị đúng, những bệnh nhân này rất dễ bị suy thận, gây tử vong.

Theo bác sỹ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, từ đầu năm đến nay Bệnh viện đã cấp cứu 17 người dân bị ong rừng đốt. Những bệnh nhân này đều được điều trị theo đúng phác đồ, đến nay chưa có ca nào tử vong. Trên cơ thể người, nếu bị ong đốt vào cổ là nguy hiểm nhất. Khi bị ong đốt, vùng cổ sẽ phù nề nhanh, gây phù thanh quản dẫn đến khó thở, sốc. Càng bị nhiều ong đốt thì càng nguy hiểm, người bị đốt có thể bị sốc phản vệ, phù nề và ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang khuyến cáo khi bị ong đốt, người dân nên tìm cách che mình, hoặc xuống nước, không xua đuổi ong vì càng đuổi, ong rừng càng tấn công mạnh...

Trước khi bắt ong phải đề phòng, trong trường hợp bị ong đốt phải bình tĩnh, nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực đó, lấy nọc ong ra khỏi vùng da bị đốt vì nọc ong này nằm trong da sẽ liên tục phóng thích các chất độc, sau đó dùng dấm hoặc nước muối nóng đắp vào vết ong đốt để giảm phù nề. Nếu nhẹ , người dân có thể nghỉ ngơi ở nhà, nếu nặng phải nhanh chóng đến bệnh viện để các bác sỹ hồi sức, giảm đau, chống sốc phản vệ và điều trị lợi tiểu. Nếu không được điều trị kịp thời nạn nhân sẽ suy thận, tiêu cơ vân và nhanh chóng đi vào hôn mê, tử vong.../

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục