Bệnh viện công lập và tư nhân phối hợp cùng giảm tải

Để nâng cao công tác khám chữa bệnh và giảm tải bệnh viện, vấn đề hợp tác giữa bệnh viện công và tư đã được đặt ra.

Chiều 10/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường phối hợp giữa bệnh viện Nhà nước và bệnh viện tư nhân, thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ khu vực phía Nam.

Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay Bộ Y tế đang thực hiện nhiều đề án giảm tải ở các bệnh viện trung ương và tuyến cuối như bệnh viện vệ tinh, mô hình bác sỹ gia đình, luân phiên các cán bộ y tế về cơ sở, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân...

Việc phối hợp giữa các bệnh viện công lập và tư nhân là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và góp phần giảm tải ở các bệnh viện công. Sự phối hợp này cần được nghiên cứu và thực hiện theo một cơ chế mà lợi ích người bệnh phải được đặt lên hàng đầu.

Tại hội nghị, phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh đã đề xuất một số nguyên tắc phối hợp giữa các bệnh viện công và tư, trong đó nguyên tắc phối hợp hàng đầu là tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi; mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh; công khai minh bạch trong cơ chế phối hợp; đồng thuận chia sẻ trách nhiệm, nguồn lực và năng lực; hợp tác trong khuôn khổ của pháp luật cho phép. Để thực hiện được điều này, cần có sự chủ động giữa các bệnh viện cũng như sự vào cuộc, chỉ đạo, theo dõi của Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

Theo thống kê của Cục Quản lý, khám chữa bệnh, trong 10 năm qua, các cơ sở bệnh viện ở cả hai khối công lập và tư nhân phát triển đều qua các năm. Cụ thể, số lượng bệnh viện công và tư nhân tăng 1,5 lần; từ 912 bệnh viện năm 2004 lên 1.200 bệnh viện năm 2013 (riêng số lượng bệnh viện tư nhân tăng hơn gấp 4 lần). Số giường bệnh cũng tăng gần 2 lần, từ gần 127.000 giường bệnh năm 2004 lên 215.000 giường năm 2013.

Hiện nay, cả nước có khoảng 170 bệnh viện tư nhân. Hầu hết các bệnh viện này có cơ sở vật chất, trang thiết bị khá tốt; đội ngũ y bác sỹ tận tình, chu đáo... Tuy nhiên, chưa có nhiều bệnh viện tư nhân có thương hiệu khiến tỷ lệ khám chữa bệnh của khối này vẫn rất thấp, chỉ chiếm gần 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú; công suất sử dụng giường bệnh chỉ chiếm 40-60%. Bệnh viện tư nhân chỉ phục vụ khoảng dưới 4% lượt khám bảo hiểm y tế. Điều này cho thấy có một sự lãng phí khá lớn ở khối bệnh viện tư nhân, trong khi các bệnh viện công lập tuyến cuối đều trong tình trạng quá tải, hàng ngày có tới 3.000-5.000 lượt khám chữa bệnh.

Để nâng cao công tác khám chữa bệnh cho người dân, vừa giúp giảm tải bệnh viện công vừa phát huy nguồn lực ở các bệnh viện tư, vấn đề hợp tác giữa bệnh viện công và tư đã được đặt ra. Mô hình phối hợp này đã được một số bệnh viện tuyến trên thực hiện với các bệnh viện tư nhân đạt hiệu quả như giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và 14 bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đức Khang, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Bệnh viện quốc tế Thành Đô...

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa bệnh viện công và tư còn gặp nhiều vướng mắc vì chưa có cơ chế quy định rõ ràng về việc này. Cụ thể là về cơ chế tài chính khi chuyển giao bệnh nhân, quy định bác sỹ làm ngoài giờ, cách tính tiền công cho bác sỹ làm ngoài giờ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục