“Các bệnh viện công lập Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đạt các chứng nhận quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các bệnh viện cần tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện cải tiến chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.”
Đây là chia sẻ của Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế trong Hội nghị Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh năm 2024 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/8.
Theo Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, công nhận chất lượng là đánh giá một cách có hệ thống đối với bệnh viện tham gia tự nguyện dựa trên các tiêu chuẩn đã được thừa nhận bởi một cơ quan công nhận chất lượng độc lập từ bên ngoài.
Công nhận chất lượng bệnh viện giúp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn có thể đạt được; kích thích, cải thiện sự phối hợp và quản lý dịch vụ, tăng cường sự tin cậy của người dân vào chất lượng dịch vụ y tế.
Tại Việt Nam, năm 2007, Bệnh viện FV là bệnh viện đầu tiên đạt chứng nhận quốc tế HAS của Pháp. Sau đó, một số bệnh viện tư nhân khác như Bệnh viện Đa khoa Vinmec, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu đạt chứng nhận chất lượng JCI (Mỹ)…
Mới đây nhất, Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh đạt chứng nhận ACHSI do Hội đồng Tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe Australia chứng nhận.
Thực tế cho thấy các bệnh viện công lập tại Việt Nam khó đạt các chứng nhận quốc tế hơn các cơ sở y tế tư nhân do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Ở khối các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương dù chất lượng chuyên môn tốt nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải người bệnh. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc đáp ứng các tiêu chí của các chứng nhận quốc tế.
Bên cạnh đó, các bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn trong tự chủ tài chính do giá dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn chưa được tính đúng, tính đủ.
Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các bệnh viện không có kinh phí để đầu tư cho chất lượng, dịch vụ để đăng ký tham gia các chứng nhận quốc tế.
Ngoài ra, hầu hết cơ sở hạ tầng của bệnh viện công lập được đầu tư từ trước, khó khắc phục để đạt tiêu chuẩn của các chứng nhận quốc tế.
Các bệnh viện công thiếu nhân lực chất lượng cao trong khi đang có sự chuyển dịch nhân lực y tế từ khối công lập sang khối tư nhân. Nhân sự ở bệnh viện công cũng thiếu cơ hội được đào tạo bài bản về quản trị bệnh viện, quản lý chất lượng.
Mặc dù vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện nay các bệnh viện công lập đang đứng trước cơ hội để tham gia và đạt được các chứng nhận quốc tế.
Luật Khám chữa bệnh năm 2023 khuyến khích các cơ sở y tế áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như thừa nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ở Việt Nam.
Các bệnh viện cũng tiếp cận dễ dàng với các bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; có những bài học thành công từ một số bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Hiện, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế cũng có những tiêu chí tương đương với tiêu chí của chứng nhận quốc tế.
Nêu vai trò quan trọng của chứng nhận quốc tế, bà Louise Cuskelly, Giám đốc Điều hành Hội đồng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế Australia (ACHSI) cho rằng chứng nhận quốc tế là công cụ giúp thúc đẩy sự cải tiến liên tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn người bệnh, từ đó nâng cao sự tin tưởng của bệnh nhân vào bệnh viện và đội ngũ y bác sỹ.
Bà nhấn mạnh: “Công nhận quốc tế là một hành trình chứ không phải là một sự kiện. Để được công nhận đã khó nhưng giữ được công nhận là điều khó hơn. Đây cũng chính là động lực để các cơ sở y tế không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín của mình.”
Ở khía cạnh quản trị bệnh viện, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay các bệnh viện công lập đang đối mặt với nhiều thách thức trong quản trị.
Cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện chậm được thay đổi để tương thích với mức độ tự chủ tài chính của các bệnh viện. Năng lực quản lý tài chính bệnh viện chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức nhằm đáp ứng những yêu cầu và quy định mới về tự chủ tài chính của các bệnh viện công lập.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Hoạt động “hậu cần bệnh viện” chưa thật sự được đầu tư đồng bộ và đúng mức…
Quan trọng hơn, nhiều bệnh viện chưa chú trọng phấn đấu đạt được các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện.
Theo người đứng đầu Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bài học kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để quản trị bệnh viện tốt hơn, cần chuyển đổi từ mô hình quản trị truyền thống sang mô hình quản trị hiện đại, linh hoạt và thích ứng; trong đó tăng cường vai trò của hội đồng quản trị, ban lãnh đạo chuyên nghiệp và sự tham gia của các bên liên quan.
Các bệnh viện cũng cần đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý bệnh viện, bao gồm hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng, telemedicine… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu sai sót và cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân.
Không ngừng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng và an toàn bệnh nhân; chuyển đổi từ mô hình chăm sóc lấy bệnh viện làm trung tâm sang mô hình chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm.
Hội nghị Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh năm 2024 thu hút hàng trăm nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Các báo cáo tại hội nghị xoay quanh các chủ đề: Các thách thức trong quản trị bệnh viện hiện nay; đạt chứng nhận quốc tế-thách thức và cơ hội cho các bệnh viện Việt Nam; vai trò của chứng nhận quốc tế trong phát triển bệnh viện; kiểm soát quy trình ngăn ngừa lỗi sai từ gốc.../.
TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vừa đưa vào hoạt động đã quá tải
Trung bình mỗi bệnh nhân xạ trị phải chờ đợi từ 3-4 tuần, có khi lâu hơn, hiện vẫn còn khoảng 500-600 bệnh nhân đợi tới lượt xạ trị. Số lượng bệnh nhân chờ được phẫu thuật cũng rất nhiều.