Ngày 8/8, tại Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Đây là kỹ thuật mới, hiện đại được chuyển giao thành công phục vụ công tác khám chữa bệnh, từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao vị thế của bệnh viện tuyến Trung ương tại khu vực.
Kỹ thuật tim mạch can thiệp là những thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Không giống như phẫu thuật truyền thống, những thủ thuật này được thực hiện qua một ống thông (catheter) rất nhỏ, đường kính từ 2-3mm; ống thông đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt stent (giá đỡ) để làm tái thông dòng máu.
Sau hơn 1 năm triển khai kỹ thuật tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, dưới sự giúp đỡ của khoa Tim mạch can thiệp-Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sỹ đơn vị Tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cứu sống nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng động mạch vành cấp.
Kỹ thuật này được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá cao về hiệu quả trong công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tim mạch tại Cần Thơ và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bác sỹ Đặng Quang Tâm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, sau hơn 1 năm triển khai tại bệnh viện, đến nay bệnh viện đã thực hiện 213 trường hợp can thiệp mạch vành, trong đó đặt stent mạch vành chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhiều trường hợp cấp cứu với tỷ lệ thành công là 100%.
Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Thành Nhân-Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết qua thời gian ngắn triển khai kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, tỷ lệ can thiệp đặt stent thành công lên đến 95,5%, không có trường hợp tử vong. Hiện kỹ thuật tim mạch can thiệp là một trong những kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế.
Theo đánh giá của, Bệnh viện Chợ Rẫy, trước khi kỹ thuật này được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bệnh nhân ở Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mắc các bệnh tim mạch đều phải lên Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu. Quá trình cấp cứu không đảm bảo thời gian "vàng" nên khả năng tử vong lớn và khiến bệnh viện tuyến trên bị quá tải.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết thời gian tới, bệnh viện sẽ tiến hành chuyển giao và hỗ trợ bệnh viện đa khoa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu làm quen với kỹ thuật can thiệp mạch vành trong công tác điều trị cứu sống bệnh nhân.
Cuối tháng Sáu vừa qua, Bộ Y tế cũng đã đồng ý phê duyệt để Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được thực hiện độc lập 12 kỹ thuật tim mạch can thiệp./.