Bệnh viện Bạch Mai thông tin đang tiếp nhận điều trị cho 2 nạn nhân trong vụ lũ quét tại Bản Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai). Đó là một nam giới và một trẻ em trong tình trạng nặng.
Vào 0h30 ngày 12/9, Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện tiếp nhận người bệnh Hoàng Văn V. (nam, 31 tuổi), dân tộc Tày, ở Bản Làng Nủ trong tình trạng nguy kịch.
Lúc 6h ngày 10/9, cả bản bị lũ quét, khoảng 7h nạn nhân được phát hiện trong tình trạng bị thương rất nặng, được sơ cứu và đưa vào Bệnh viện huyện Bảo Yên cấp cứu. Người bệnh được xử trí cơ bản và 23h15 phút ngày 10/9 được chuyển Bệnh viện tỉnh Lào Cai với chẩn đoán chấn thương ngực kín.
01h46 phút ngày 11/9 người bệnh được đưa đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai) trong tình trạng hôn mê, da và niêm mạc nhợt, xây xát nhiều vùng đầu, mặt, vùng ngực, bụng, mạch 102 l/p, huyết áp 100/50 mmHg. Người bệnh được chẩn đoán đa chấn thương, chấn thương ngực. Xử trí đặt nội khí quản và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực.
Sạt lở ở Bắc Hà: Khiêng nạn nhân vượt quãng đường 7km bị lũ tàn phá đi cấp cứu
Bác sỹ Ly Seo Sẩu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết từ điểm sạt lở phải vận chuyển bệnh nhân bằng cáng qua quãng đường 7km đầy bùn đất và đi lại rất khó khăn.
Tại đây, người bệnh thở máy, mở màng phổi dẫn lưu dịch khí, soi hút phế quản (2 lần) ra nhiều sỏi đá và bùn đất, kháng sinh phổ rộng, duy trì thuốc trợ tim vận mạch và lọc máu liên tục. Tình trạng người bệnh nặng hơn, nguy cơ tử vong cao nên đến 19h ngày 11/9 được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng an thần, thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao.
01h16 phút ngày 12/09/2024, người bệnh được nhập vào Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) sau đó chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực.
Ngay khi vào viện, các bác sỹ đã nhanh chóng thực hiện nhiều kỹ thuật để cấp cứu người bệnh như thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục loại bỏ cytokin. Ngay lúc vào, các bác sỹ Trung tâm Hồi sức tích cực đã nội soi phế quản (lần 3) để hút, bơm rửa phế quản. Trong nội soi thấy rất nhiều bùn, và dị vật trong lòng phế quản.
Hiện nay, người bệnh đang được an thần, giãn cơ, ECMO hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, lọc máu liên tục phối hợp lọc máu hấp phụ, kháng sinh phổ rộng tối ưu, nội soi bơm rửa phế quản, truyền các chế phẩm máu... Tình trạng hiện nay còn suy đa tạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Đội ngũ y bác sỹ đã và đang tập trung nguồn lực để cứu chữa người bệnh.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Mông Hoàng Thảo Ng. (nữ, 11 tuổi), dân tộc Tày. Bệnh nhi cũng là nạn nhân trong vụ sạt lở do lũ quét tại bản Làng Nủ. Bố mẹ bệnh nhi làm thợ xây ở Hà Nội, anh trai của bệnh nhi đi học nên thoát nạn. Bệnh nhi sống cùng gia đình nhà cậu và ông bà ngoại. Vụ sạt lở khiến gia đình cháu Ng. tử vong bốn người gồm: Bà ngoại, vợ và hai con của người cậu.
Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Nhi khoa, thở máy tình trạng nặng./.