Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2020, ngành Y tế nói chung và hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Dịch COVID-19 xuất hiện đã tác động toàn diện đến mọi mặt của toàn xã hội và hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng, chống dịch
Để thực hiện được tốt “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã chỉ đạo cả hệ thống khám, chữa bệnh quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, xây dựng nhiều chính sách, công cụ nhằm phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân tốt hơn, đồng thời hệ thống khám, chữa bệnh đã nỗ lực lao động không ngừng, áp dụng, triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng, chống dịch và điều trị các ca mắc COVID-19 hiệu quả.
“Ngay từ trước khi có dịch xuất hiện tại Việt Nam, các hướng dẫn chẩn đoán điều trị đã được xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành từ ngày 16/1/2020. Sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban điều trị, sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, xét nghiệm, dinh dưỡng, phục hồi chức năng… trong thời gian qua đã giúp tạo nên thành công của công tác điều trị ca mắc COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện bằng các chỉ số tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%), tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Trong giai đoạn 1, toàn bộ các ca mắc COVID-19 đều được chữa khỏi, kể cả những ca nguy kịch như số 19, 91; không có ca nào tử vong.
Đặc biệt, tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Trung tâm hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19 đã được thành lập, góp phần bảo đảm năng lực chuyên môn, thường xuyên hỗ trợ và hội chẩn chuyên môn cho các ca bệnh nặng, phức tạp với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành các chuyên khoa hồi sức tích cực, truyền nhiễm, nhi, tim mạch, hô hấp...
Trung tâm được khai trương ngày 5/3/2020, thực hiện rất hiệu quả vai trò tổ chức hội chẩn trực tuyến, điều phối và giao ban chuyên môn với các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID -19 trên toàn quốc, tập trung trí tuệ của các chuyên gia giỏi hàng đầu của Việt Nam trong tất cả các chuyên ngành, phát huy sức mạnh tổng lực của các chuyên khoa.
Bảo đảm công tác khám, chữa bệnh an toàn
Để thực hiện được “mục tiêu kép,” việc rất quan trọng là bảo đảm công tác khám, chữa bệnh an toàn, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết.
Vì vậy, Cục đã xây dựng và ban hành các hướng dẫn chuyên môn cho các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện như “Hướng dẫn tạm thời Quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến Y tế cơ sở trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19,” “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng,” “Hướng dẫn Quản lý điều trị, phục hồi chức năng và phòng, chống dịch COVID-19 đối với người khuyết tật;” Hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch cho các đối tượng nguy cơ cao: bà mẹ, trẻ em; người cao tuổi; người khuyết tật... Các hướng dẫn đã góp phần giúp cơ sở y tế thực hiện tốt vừa khám, chữa bệnh tốt, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 ban hành hai Bộ tiêu chí gồm Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (theo Quyết định 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế) và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (theo Quyết định 4999/QĐ-BYT ngày 01/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
[Bám sát Hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế với bệnh nhân COVID-19 nặng]
Các Bộ tiêu chí đã được các bệnh viện trên toàn quốc tích cực triển khai, đánh giá thường xuyên và cập nhật trên phần mềm trực tuyến.
Đến ngày 31/12/2020, cả nước đã có 1.425 Bệnh viện, Trung tâm Y tế tiến hành tự đánh giá qua phần mềm trực tuyến, chiếm 92% bệnh viện được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh quản lý.
Tổng số có 740 Bệnh viện, Trung tâm Y tế đã được Đoàn của cơ quan quản lý đánh giá. Các địa phương tích cực triển khai, đánh giá được nhiều bệnh viện trực thuộc nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Long An, Thừa Thiên-Huế, Nam Định, An Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Quảng Nam.
“Trong hoạt động triển khai Bộ tiêu chí phòng khám an toàn, đến ngày 31/12/2020 đã có 8.456 phòng khám, trạm y tế đã tiến hành tự đánh giá qua phần mềm trực tuyến, chiếm 32,5% các phòng khám. Các Sở Y tế cần tiếp tục chỉ đạo các phòng khám tự đánh giá và cải tiến các biên pháp an toàn phòng, chống dịch,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê đề nghị.
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế
Xác định Y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế,” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng là việc làm rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Sau khi được ban hành, trên 30 bệnh viện tuyến trên và trên 1.000 bệnh viện tuyến dưới đã tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa, góp phần đem lại chất lượng và sự hài lòng cho người bệnh, nhân viên y tế.
Hàng trăm buổi hội chẩn, tư vấn phẫu thuật… đã được các Bệnh viện Tim Hà Nội, E, Hữu nghị Việt Đức, Nội tiết Trung ương thực hiện.
Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, các bệnh viện trên cả nước tích cực cải tiến chất lượng với phương châm “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh là trung tâm, mọi hoạt động trong bệnh viện phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh.”
Các bệnh viện tiếp tục triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, dựa trên 83 tiêu chí để xác định những vấn đề tồn tại và ưu tiên để xây dựng các đề án cải tiến chất lượng cho từng bộ phận như khám bệnh, kế toán, dược, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng, dinh dưỡng, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng...
“Với nỗ lực không ngừng của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, hình ảnh, chân dung, uy tín người thầy thuốc đã nâng lên rõ rệt, người dân ngày càng tin yêu vào ngành Y tế, Đảng, Chính phủ. Điều này thể hiện bằng tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú trên toàn quốc năm 2020 đạt 83,6%. Trong thời gian tới, hệ thống khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện 'mục tiêu kép,' vừa bảo đảm khám, chữa bệnh tốt, vừa thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn, bảo đảm bệnh viện và phòng khám là một 'pháo đài' chốt chặn tin cậy trong công tác phòng, chống dịch COVID-19,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh./.