Giới áo đầm, cổ cồn cũng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm, bệnh tưởng chỉ "kết” người phải mang vác nặng, làm việc chân tay nhiều, người hay chơi thể thao.
Ngồi lâu một tư thế, đổi tư thế đột ngột là lỗi phổ biến, gây thoát vị đĩa đệm
Dấu hiệu nhận biết đầu tiên thường là đau lưng, đau cổ lan xuống vai, tê mỏi chân tay, háng, rồi theo thời gian sẽ diễn tiến xuống chân hay rối loạn vận động cảm giác phần thân dưới. Có thể nói, thoát vị đĩa đệm chẳng kiêng dè độ tuổi nào.
Trong khi những người thuộc nhóm ngành nghề khác thường bị thoát vị đĩa đệm do tai nạn lao động, phải mang vác nặng, té ngã, chấn thương hay do tuổi tác thì nhân viên văn phòng lại chủ yếu do ngồi một chỗ trong nhiều tiếng đồng hồ liên tục, không vận động.
Họ cũng thường hay dư cân, bụng to. Những điều này làm đĩa đệm giữa hai đốt sống bị tăng áp lực, dễ thoát vị ra phía ngoài, chèn vào các rễ thần kinh tủy sống và gây đau đớn.
Hầu hết bệnh nhân thoát vị đĩa đệm bắt đầu điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu và dùng thuốc, trừ khi có tổn thương quá nặng, có liệt chân, tay - phải can thiệp ngoại khoa ngay. Việc điều trị bảo tồn này có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Nếu may mắn kết quả tốt, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện thấy rõ, hết viêm, sưng đau. Ngược lại, bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý cho các phương pháp điều trị có xâm lấn.
Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ điều trị bằng vật lý trị liệu chỉ là tập theo một số động tác nào đó. Thật ra, điều trị vật lý trị liệu còn bao gồm việc sử dụng máy móc với các tia chiếu phù hợp, có tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ, giãn mạch, tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như kéo giãn cột sống bằng hệ thống kéo giãn kỹ thuật số.
Rất nhiều nhân viên văn phòng thấy vật lý trị liệu hiệu quả, giúp họ bớt hẳn tê đau cứng vùng cổ, lưng, tay, vai khi điều trị khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày với các phương pháp thích hợp.
Nhân viên văn phòng nên có một số bài thể dục cho vùng cổ, lưng ngay tại ghế làm việc, đồng thời, nên đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng sau mỗi tiếng.
Những người dư cân, đặc biệt là béo phì, bụng bự sẽ tăng nguy cơ võng cột sống, từ đó gián tiếp tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Thay vì đến các quán nhậu sau giờ làm, nhân viên văn phòng nên chọn đăng ký một môn thể dục vừa sức mà mình yêu thích.
Tránh việc thay đổi tư thế đột ngột. Chẳng hạn, bạn quay ngoắt đầu khi nghe có tiếng gọi, bất ngờ quay vẹo cột sống để lấy đồ mà không xoay cả người cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm rồi. Đa số các chấn thương khi tập thể dục thể thao cũng do không khởi động, dẫn đến co cơ đột ngột.
(BSCK1 Nguyễn Xuân Diệm - Phân viện Vật lý y sinh học Thành phố Hồ Chí Minh)
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất?
Phẫu thuật là phương pháp mà mọi bệnh nhân đều muốn tránh vì sợ biến chứng. Cũng chẳng ai muốn động dao, động kéo và chịu một vết sẹo trên vùng sống lưng, thắt lưng.
Nhưng để so sánh các nguy cơ với lợi ích, một ca vi phẫu hay nội soi kéo dài khoảng hơn 60 phút vẫn là lựa chọn tốt nhất trong điều trị thoát vị đĩa đệm nặng. Trong các trường hợp như thoát vị đĩa đệm có kèm trượt đốt sống hay có khối u chèn thì phẫu thuật để loại bỏ chúng là phương pháp hiệu quả duy nhất.
Có hai phương pháp được gọi là chính thống trong điều trị thoát vị đĩa đệm được thực hiện hàng ngày tại bệnh viện Chợ Rẫy và nhiều bệnh viện lớn khác là mổ vi phẫu và mổ nội soi. Hai phương pháp này là phẫu thuật có xâm lấn tối thiểu, phổ biến nhất trên thế giới.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường do lao động nặng hoặc nhấc một vật nặng hoặc làm sai tư thế trong sinh hoạt. Thậm chí cũng hay xảy ra ở những người làm việc văn phòng do ngồi lâu, đĩa đệm chịu áp lực cột sống gây thoát vị đĩa đệm khi tuổi đời chưa quá cao.
Thực tế, không phải bệnh nhân nào cũng được bác sĩ chỉ định mổ. Khi gặp bệnh nhân quá yếu, tuổi cao, có bệnh toàn thân như tim mạch, tiểu đường nặng, hoặc thoái hóa cột sống quá nặng thì coi như không thể tiến hành phẫu thuật điều trị vì rất dễ gặp biến chứng khi gây mê và trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật có phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao hay không, còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ có đúng hay không. Hiện nay, loại thoát vị đĩa đệm mà việc chỉ định mổ sẽ đem lại kết quả cao nhất là thoát vị lồi, vỡ vào lỗ thần kinh, có những trường hợp hồi phục gần như hơn 90% chức năng của thần kinh và cột sống. Những thoát vị ít hoặc chưa chèn ép rễ thần kinh, khi tiến hành mổ, hiệu quả không đáng kể.
Đôi lúc, chính người thầy thuốc cũng rất phân vân trước chỉ định mổ hay điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Nguyên nhân là vì khối thoát vị còn nhỏ, chưa gây đau đớn nhiều nên chưa đáng để phẫu thuật, trong khi điều trị bằng nội khoa thì không thể làm biến mất hay làm khối thoát vị tự co vào nhân nhầy như cũ. Ranh giới mong manh này nhiều khi lại làm bệnh nhân có tâm lý như đang phải chờ cho khối thoát vị lớn lên để mổ một lần cho đáng.
(Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Nho - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, Cố vấn chuyên môn và đào tạo Bệnh viện Chợ Rẫy Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa ngoại Thần kinh quốc tế)
Giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da (PLDD) để tránh phẫu thuật
PLDD là một thủ thuật có thể thích hợp với nhiều bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, ngay cả đối với những người lớn tuổi và có vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, với những phụ nữ ngại đau đớn và sợ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ với đường rạch khi phẫu thuật vùng cột sống thì PLDD cũng là một lựa chọn tốt.
Năng lượng laser được đưa vào nhân nhầy của đĩa đệm nhờ hệ thống quang dẫn mềm và dưới sự quan sát thông qua một X-quang tăng sáng truyền hình ba chiều. Năng lượng laser sẽ làm bốc bay một phần nhân nhầy, giúp giảm áp suất nội đĩa đệm. Từ đó, khối nhân nhầy thoát vị co rút lại, giúp giảm áp suất chèn ép lên rễ thần kinh ở vị trí thoát vị.
Thông thường, việc điều trị với một tầng (1 đĩa đệm) chỉ mất khoảng 15 phút. PLDD còn giúp tránh được gây mê và một số biến chứng nặng trong mổ hở, sẹo của vết mổ cũng có thể gây xơ dính thần kinh, một rủi ro có thể gặp phải sau mổ hở.
Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân có khối thoát vị quá lớn, các vòng xơ của đĩa đệm bị đứt nhiều, đĩa đệm đã bị vỡ, phì đại dây chằng vàng, đứt dây chằng dọc sau, dọc trước, trượt thân đốt sống trên độ 1, thoái hóa cột sống nặng, xẹp đĩa đệm trên 50% thì điều trị giảm áp bằng laser qua da không còn là phương pháp hiệu quả.
Khi bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ, không có thời gian để điều trị bằng vật lý trị liệu, hay quên uống thuốc hoặc lo sợ thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày (các loại thuốc chống viêm dùng dài ngày dễ gây đau dạ dày) có thể chọn thực hiện PLDD. Lúc này PLDD sẽ giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng tính hiệu quả so với việc điều trị nội khoa.
Có những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đĩa đệm cột sống mà người làm việc văn phòng ít chú ý như việc đi giày cao gót thường xuyên (làm tạo tư thế ưỡn quá mức lên cột sống khi đứng), ngồi nghiêng, khom, vẹo làm cột sống chịu những lực không đều và bị tổn thương.
Ngồi đổ người về phía trước, rất thường gặp ở người ngồi trước bàn máy vi tính cũng làm tăng nguy cơ nhân nhầy “chạy” ra khỏi khu vực đốt sống và bắt đầu tấn công, chèn ép các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống.
Điều trị bằng giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da không gây biến chứng nguy hiểm nào, chỉ có hiệu quả cụ thể trong từng trường hợp đến đâu mà thôi.
Trong 10 năm qua, chúng tôi đã thực hiện điều trị PLDD cho khoảng 4.500 bệnh nhân. Tỷ lệ thành công trung bình là 80,55% đối với đĩa đệm cột sống thắt lưng và trên 95% đối với đĩa đệm cột sống cổ.
(Phó giáo sư, bác sĩ Trần Công Duyệt - Viện trưởng Viện Ngoại khoa laser, Chủ tịch Hội Laser y học và Laser ngoại khoa Thành phố Hồ Chí Minh)
Ngồi lâu một tư thế, đổi tư thế đột ngột là lỗi phổ biến, gây thoát vị đĩa đệm
Dấu hiệu nhận biết đầu tiên thường là đau lưng, đau cổ lan xuống vai, tê mỏi chân tay, háng, rồi theo thời gian sẽ diễn tiến xuống chân hay rối loạn vận động cảm giác phần thân dưới. Có thể nói, thoát vị đĩa đệm chẳng kiêng dè độ tuổi nào.
Trong khi những người thuộc nhóm ngành nghề khác thường bị thoát vị đĩa đệm do tai nạn lao động, phải mang vác nặng, té ngã, chấn thương hay do tuổi tác thì nhân viên văn phòng lại chủ yếu do ngồi một chỗ trong nhiều tiếng đồng hồ liên tục, không vận động.
Họ cũng thường hay dư cân, bụng to. Những điều này làm đĩa đệm giữa hai đốt sống bị tăng áp lực, dễ thoát vị ra phía ngoài, chèn vào các rễ thần kinh tủy sống và gây đau đớn.
Hầu hết bệnh nhân thoát vị đĩa đệm bắt đầu điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu và dùng thuốc, trừ khi có tổn thương quá nặng, có liệt chân, tay - phải can thiệp ngoại khoa ngay. Việc điều trị bảo tồn này có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Nếu may mắn kết quả tốt, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện thấy rõ, hết viêm, sưng đau. Ngược lại, bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý cho các phương pháp điều trị có xâm lấn.
Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ điều trị bằng vật lý trị liệu chỉ là tập theo một số động tác nào đó. Thật ra, điều trị vật lý trị liệu còn bao gồm việc sử dụng máy móc với các tia chiếu phù hợp, có tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ, giãn mạch, tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như kéo giãn cột sống bằng hệ thống kéo giãn kỹ thuật số.
Rất nhiều nhân viên văn phòng thấy vật lý trị liệu hiệu quả, giúp họ bớt hẳn tê đau cứng vùng cổ, lưng, tay, vai khi điều trị khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày với các phương pháp thích hợp.
Nhân viên văn phòng nên có một số bài thể dục cho vùng cổ, lưng ngay tại ghế làm việc, đồng thời, nên đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng sau mỗi tiếng.
Những người dư cân, đặc biệt là béo phì, bụng bự sẽ tăng nguy cơ võng cột sống, từ đó gián tiếp tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Thay vì đến các quán nhậu sau giờ làm, nhân viên văn phòng nên chọn đăng ký một môn thể dục vừa sức mà mình yêu thích.
Tránh việc thay đổi tư thế đột ngột. Chẳng hạn, bạn quay ngoắt đầu khi nghe có tiếng gọi, bất ngờ quay vẹo cột sống để lấy đồ mà không xoay cả người cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm rồi. Đa số các chấn thương khi tập thể dục thể thao cũng do không khởi động, dẫn đến co cơ đột ngột.
(BSCK1 Nguyễn Xuân Diệm - Phân viện Vật lý y sinh học Thành phố Hồ Chí Minh)
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất?
Phẫu thuật là phương pháp mà mọi bệnh nhân đều muốn tránh vì sợ biến chứng. Cũng chẳng ai muốn động dao, động kéo và chịu một vết sẹo trên vùng sống lưng, thắt lưng.
Nhưng để so sánh các nguy cơ với lợi ích, một ca vi phẫu hay nội soi kéo dài khoảng hơn 60 phút vẫn là lựa chọn tốt nhất trong điều trị thoát vị đĩa đệm nặng. Trong các trường hợp như thoát vị đĩa đệm có kèm trượt đốt sống hay có khối u chèn thì phẫu thuật để loại bỏ chúng là phương pháp hiệu quả duy nhất.
Có hai phương pháp được gọi là chính thống trong điều trị thoát vị đĩa đệm được thực hiện hàng ngày tại bệnh viện Chợ Rẫy và nhiều bệnh viện lớn khác là mổ vi phẫu và mổ nội soi. Hai phương pháp này là phẫu thuật có xâm lấn tối thiểu, phổ biến nhất trên thế giới.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường do lao động nặng hoặc nhấc một vật nặng hoặc làm sai tư thế trong sinh hoạt. Thậm chí cũng hay xảy ra ở những người làm việc văn phòng do ngồi lâu, đĩa đệm chịu áp lực cột sống gây thoát vị đĩa đệm khi tuổi đời chưa quá cao.
Thực tế, không phải bệnh nhân nào cũng được bác sĩ chỉ định mổ. Khi gặp bệnh nhân quá yếu, tuổi cao, có bệnh toàn thân như tim mạch, tiểu đường nặng, hoặc thoái hóa cột sống quá nặng thì coi như không thể tiến hành phẫu thuật điều trị vì rất dễ gặp biến chứng khi gây mê và trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật có phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao hay không, còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ có đúng hay không. Hiện nay, loại thoát vị đĩa đệm mà việc chỉ định mổ sẽ đem lại kết quả cao nhất là thoát vị lồi, vỡ vào lỗ thần kinh, có những trường hợp hồi phục gần như hơn 90% chức năng của thần kinh và cột sống. Những thoát vị ít hoặc chưa chèn ép rễ thần kinh, khi tiến hành mổ, hiệu quả không đáng kể.
Đôi lúc, chính người thầy thuốc cũng rất phân vân trước chỉ định mổ hay điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Nguyên nhân là vì khối thoát vị còn nhỏ, chưa gây đau đớn nhiều nên chưa đáng để phẫu thuật, trong khi điều trị bằng nội khoa thì không thể làm biến mất hay làm khối thoát vị tự co vào nhân nhầy như cũ. Ranh giới mong manh này nhiều khi lại làm bệnh nhân có tâm lý như đang phải chờ cho khối thoát vị lớn lên để mổ một lần cho đáng.
(Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Nho - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, Cố vấn chuyên môn và đào tạo Bệnh viện Chợ Rẫy Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa ngoại Thần kinh quốc tế)
Giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da (PLDD) để tránh phẫu thuật
PLDD là một thủ thuật có thể thích hợp với nhiều bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, ngay cả đối với những người lớn tuổi và có vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, với những phụ nữ ngại đau đớn và sợ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ với đường rạch khi phẫu thuật vùng cột sống thì PLDD cũng là một lựa chọn tốt.
Năng lượng laser được đưa vào nhân nhầy của đĩa đệm nhờ hệ thống quang dẫn mềm và dưới sự quan sát thông qua một X-quang tăng sáng truyền hình ba chiều. Năng lượng laser sẽ làm bốc bay một phần nhân nhầy, giúp giảm áp suất nội đĩa đệm. Từ đó, khối nhân nhầy thoát vị co rút lại, giúp giảm áp suất chèn ép lên rễ thần kinh ở vị trí thoát vị.
Thông thường, việc điều trị với một tầng (1 đĩa đệm) chỉ mất khoảng 15 phút. PLDD còn giúp tránh được gây mê và một số biến chứng nặng trong mổ hở, sẹo của vết mổ cũng có thể gây xơ dính thần kinh, một rủi ro có thể gặp phải sau mổ hở.
Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân có khối thoát vị quá lớn, các vòng xơ của đĩa đệm bị đứt nhiều, đĩa đệm đã bị vỡ, phì đại dây chằng vàng, đứt dây chằng dọc sau, dọc trước, trượt thân đốt sống trên độ 1, thoái hóa cột sống nặng, xẹp đĩa đệm trên 50% thì điều trị giảm áp bằng laser qua da không còn là phương pháp hiệu quả.
Khi bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ, không có thời gian để điều trị bằng vật lý trị liệu, hay quên uống thuốc hoặc lo sợ thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày (các loại thuốc chống viêm dùng dài ngày dễ gây đau dạ dày) có thể chọn thực hiện PLDD. Lúc này PLDD sẽ giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng tính hiệu quả so với việc điều trị nội khoa.
Có những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đĩa đệm cột sống mà người làm việc văn phòng ít chú ý như việc đi giày cao gót thường xuyên (làm tạo tư thế ưỡn quá mức lên cột sống khi đứng), ngồi nghiêng, khom, vẹo làm cột sống chịu những lực không đều và bị tổn thương.
Ngồi đổ người về phía trước, rất thường gặp ở người ngồi trước bàn máy vi tính cũng làm tăng nguy cơ nhân nhầy “chạy” ra khỏi khu vực đốt sống và bắt đầu tấn công, chèn ép các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống.
Điều trị bằng giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da không gây biến chứng nguy hiểm nào, chỉ có hiệu quả cụ thể trong từng trường hợp đến đâu mà thôi.
Trong 10 năm qua, chúng tôi đã thực hiện điều trị PLDD cho khoảng 4.500 bệnh nhân. Tỷ lệ thành công trung bình là 80,55% đối với đĩa đệm cột sống thắt lưng và trên 95% đối với đĩa đệm cột sống cổ.
(Phó giáo sư, bác sĩ Trần Công Duyệt - Viện trưởng Viện Ngoại khoa laser, Chủ tịch Hội Laser y học và Laser ngoại khoa Thành phố Hồ Chí Minh)
(TTXVN/Vietnam+)