Thuốc biệt dược gốc, dùng hay không dùng cho bệnh nhân? Vì sao giá thuốc cao lại có sự chênh lệch quá lớn đến vậy? Ngành y tế cần làm gì để “dẹp loạn” giá biệt dược đã cao “ngất trời,” lại biến đổi khôn lường.
Xung quanh những câu hỏi trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội dược học Thành phố Hồ Chí Minh để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
[Biệt dược giá cao chót vót, chênh nhau cả chỉ vàng]
Nghiên cứu chính sách hợp lý
- Là một chuyên gia về lĩnh vực dược, bà có đánh giá như thế nào về tình hình sử dụng các loại thuốc biệt dược ở Việt Nam hiện nay?
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Thông qua báo cáo của ngành dược, tôi nghĩ có một con số rất đáng quan tâm, đó là tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại các bệnh viện đã lên tới mức 40%. Con số trên cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược tăng.
Thực tế, ngành y tế đang kêu gọi người Việt dùng thuốc Việt, nhằm tăng cường sử dụng generic (thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ). Tuy nhiên, nhìn trên con số kết quả là 40% thuốc biệt dược như thống kê như vậy thì đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong khi đó, cùng với tỷ lệ tiền thuốc mà bảo hiểm xã hội chi trả chúng ta có thể cứu nhiều bệnh nhân hơn.
[Biệt dược “tung hoành” trong bảng giá ở các bệnh viện Trung ương]
- Bà có thể lý giải vì sao tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược lại có xu hướng tăng lên như vậy?
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Về chuyên môn, với các bác sỹ, để an toàn nhất họ rất thích sử dụng thuốc biệt dược gốc. Thực tế này trên cả thế giới cũng vậy, không riêng Việt Nam.
Bởi với một thuốc biệt dược gốc có những yếu tố hơn hẳn về chất lượng, độ an toàn, được nghiên cứu kỹ lưỡng, với một mức giá rất cao. Vì thế, không riêng Việt Nam, mà các quốc gia phát triển, chẳng hạn như Mỹ, họ vẫn có sự cân nhắc sử dụng thuốc generic để làm sao có sự tương quan giữa hiệu quả điều trị và giá thành kinh tế.
Tôi không đả phá sử dụng thuốc biệt dược gốc, nhưng chúng ta phải có nghiên cứu về chính sách sử dụng, dùng cho các trường hợp nặng, nhất thiết phải như vậy. Còn nếu không, chúng ta nên thay thế sử dụng thuốc generic vì có những thuốc generic chất lượng cao, có nhiều loại, xuất phát từ các nhà máy đạt chuẩn cao. Cũng có những thuốc tối thiểu, vừa đạt. Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu chính sách sao cho hợp lý.
Liệu có tình trạng độc quyền, nâng giá?
- Điều mà rất nhiều người dân, người bệnh quan tâm hiện nay là vấn đề giá thuốc biệt dược gốc khá cao. Bà đánh giá như thế nào về giá thuốc biệt dược hiện nay?
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Giá thuốc biệt dược hiện nay luôn cao hơn và cao hơn rất nhiều thuốc generic. Tôi nghĩ giá thuốc biệt dược mua bán tại Việt Nam cũng tương đồng trên thế giới, ở đâu cũng cao. Vấn đề ở đây là để tương đồng với nền kinh tế Việt Nam, thu nhập người bệnh, với kinh phí khám chữa bệnh thì liệu nó có hợp lý không?.
Trong một vài trường hợp, chúng tôi băn khoăn liệu có tỉnh trạng độc quyền, nâng giá hay không?
[Biệt dược giá cao: Thiếu giám sát, doanh nghiệp “tha hồ” định giá?]
Thuốc biệt dược đã đắt sẵn, còn chính sách của nhà sản xuất, sau bao nhiêu năm họ bảo hộ độc quyền như vậy vốn thu hồi đủ chưa và người ta có những chính sách vùng miền kinh tế, ưu đãi cho các quốc gia như thế nào. Chúng tôi rất hoan nghênh đấu thầu không phải là phương pháp duy nhất để thuốc vào bệnh viện mà còn có các biện pháp khác, đặc biệt là đàm phán giá.
Thực ra, vấn đề đàm phán giá hiện nay chúng ta chưa tiến hành, nên đánh giá về ưu nhược điểm rất khó.
Do đặc thù thuốc biệt dược là chỉ có nhà cung cấp, do vậy thuốc độc quyền nên tại sao phải đấu thầu, đấu thầu cũng vậy thôi, bởi vậy chúng ta phải có thêm hình thức đàm phán giá. Bộ Y tế phải tiến hành thực tế, sau đó chúng tôi mới đánh giá được.
Khi chỉ có một nhà cung cấp thuốc độc quyền, thì việc đàm phán giá với nhà cung cấp ưu việt hơn, có gì chúng ta có thể trực tiếp đưa lên cái lợi, cái hại và đàm phán với nhà cung cấp.
Theo tôi, trong Luật Dược cũng phải phong phú thêm các hình thức khác, không chỉ đấu thầu, đàm phán giá.
Cần “liệu cơm gắp mắm”
- Bà có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Vấn đề ở đây tại sao đấu thầu phải coi chuyện mua từ nguồn bảo hiểm y tế. Tại sao các bệnh viện tư nhân có vấn đề gì khó khăn trong mua thuốc đâu. Cho nên, đôi khi chúng ta phải xem về nguồn sở hữu tiền và cái cách chúng ta xử lý thế nào cho nó linh hoạt.
Tại sao không nghĩ cơ chế định suất cho bệnh viện? Với số lượng định suất như thế với lượng bệnh nhân như vậy có số lượng bệnh nhân, bệnh viện cũng phải cân nhắc số tiền mình có và nhiệm vụ mà mình phải hoàn thành. Nếu chúng ta giàu có tôi nghĩ ai cũng chọn thuốc biệt dược gốc. Nhưng chúng ta phải làm sao phải “liệu cơm gắp mắm,” hài hòa giữ hiệu quả kinh tế và giá trị điều trị.
Với hơn 20.000 mặt hàng thuốc, đương nhiên có những mặt hàng giữ được ổn định, không có sự tăng giá bất thường hay đột biến nhưng vẫn có những trương hợp thuốc được bán với trị giá cao hơn giá trị thực của thuốc. Nhìn thực tế thị trường, liệu chúng ta chống được độc quyền chưa?.
Như vắcxin, giá đăng ký như vậy, khi đưa ra thị trường, nếu chỉ tuân thủ luật giá, doanh nghiệp tư nhân được tự định giá, miễn là công khai, niêm yết và để cho người dân biết và hai bên cùng nhau thỏa thuận thì không giải quyết được vấn đề. Cho nên thuốc là một vấn đề khi mà có độc quyền và có cung cầu, khi mà cầu của thị trường quá lớn sẽ phát sinh tiêu cực và không thể bắt xuể.
Thị trường dược: “Cứ thả gà ra rồi đuổi”?
- Theo bà, để giải bài toán về giá thuốc biệt dược chúng ta cần làm những phép tính như thế nào?
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Hiện nay, việc mua bán thuốc lòng vòng qua trung gian nhiều. Cả nước có gần 2.000 công ty phân phối thuốc. Vậy tiền ở đâu để nuôi bộ máy đó? Câu trả lời là từ chênh lệch giá bán thuốc. Vì vậy, ngành y tế phải giải quyết được vấn đề cốt yếu này thì giá thuốc mới trở về giá thật. Đôi khi nhà sản xuất không lãi bằng người đi bán lòng vòng.
Nếu không làm chủ đạo đức của bác sỹ, nếu trình dược viên bắt tay với bác sỹ để ăn chia hoa hồng tiền thuốc, triết khấu giá thuốc thì giá sẽ tăng.
Hiện nay, thị trường thuốc kiểm soát khó vì có quá nhiều mặt hàng. Ngay như biệt dược gốc độc quyền, như nó còn có hình dạng để so sánh nó có đắt hơn ở các nước hay không. Nhưng cái gặp nhiều nhất chính là thuốc nước ngoài generic không có gì đặc biệt nhưng ta mở cửa ào ào cho vào thị trường. Chúng ta không có hàng rào kỹ thuật, chúng ta không đi thẩm định tại cơ sở sản xuất nước ngoài, không kiểm định mẫu 100% khi vào trong nước, gây “kẹt xe” ở bộ phận đăng ký thuốc.
Cuối cùng nó vẫn chen chân vào được và khi chen vào được trong nước nó phải sống và tìm mọi cách để tồn tại, cách hãng thuốc phải tìm cách để vào và sẽ gây nên sự hỗn loạn. Như thế, việc kiểm soát 5 người dễ hơn hàng nghìn người.
Tôi rất buồn khi báo cáo vẫn nói không thể hạn chế nhập khẩu được, rồi vì lý do nọ, lý do kia. Tôi chỉ đặt một câu hỏi rằng tại sao các nước lại hạn chế được, kiểm soát được và họ cũng tham gia Tổ chức thương mại thế giới, cũng đàm phán Hiệp định TTP, vậy mà họ vẫn kiểm soát được.
Vì thế, chúng ta phải xem xét để nhìn vào tình hình thực tế, sau đó xem xét sửa đổi trong luật, để luật là hành lang pháp lý từ đó chúng ta kiểm soát, chứ không thể đổ cho Luật giá, đấu thầu, Luật dược nói thế thì ngành dược chúng ta cứ an phận hoài. Thực ra trách nhiệm là ở chúng ta.
Thị trường tồn tại như vậy là tại chúng ta cứ “thả gà ra đuổi.” Thuốc của Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ cũng cho nhập… Tôi không có thành kiến với bất kỳ quốc gia nào nhưng quốc gia nào cũng có doanh nghiệp này nọ, nhiệm vụ chúng ta phải gác cửa cho người dân, ngay cả thị trường Việt Nam cũng vậy.
Lo ngại thuốc vào kém chất lượng hoàn toàn chính đáng. Rất bất công nếu trong thị trường 1 nước, có 159 cơ sở sản xuất đạt GPM. Câu hỏi thứ nhất, các doanh nghiệp đó đạt là khi cấp giấy, còn trong suốt quá trình có đảm bảo duy trì được hay không với lực lượng thanh tra như nay.
Câu hỏi thứ hai là tại sao có sự chênh lệch về giá qua mức thế?. Vì vậy, chúng ta phải có sự cạnh tranh làm sao công bằng. Bây giờ chỉ đưa ra những con số rất máy móc như đến năm nào, năm nào chúng ta phải đạt tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước, nhưng cứ làm như kiểu này thì con số đã giảm, và chúng ta phải khuyến khích các doanh nghiệp trong nước với yếu tố chất lượng, phát triển bền vững, còn hơn kiểu nhà nhà GMP, không dẫm đạp nhau, hạ chất lượng bằng mọi giá vì chỉ hạ chất lượng mới đáp ứng giá như vậy.
Lương tâm thầy thuốc
- Như bà đã phân tích, giá thuốc biệt dược có thể bị đẩy lên cao do những đơn thuốc hoa hồng, vậy theo bà, để chấm dứt được đơn thuốc hoa hồng này có khó không?
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Đơn thuốc hoa hồng hạn chế rất khó, điều quan trọng là lương tâm của người bác sỹ. Chính người bác sỹ mới biết trường hợp nào bệnh nhân thực sự cần. Còn đối với một bệnh nhân vô cùng nghèo, không có bảo hiểm y tế mà vẫn chăm chăm dùng biệt dược gốc thì rõ ràng đó là tội ác.
Nếu bệnh nhân có điều kiện kinh tế, bản thân bệnh nhân cũng bảo tôi sẵn sàng trả giá cao, đôi khi người bác sỹ vẫn cho dùng thuốc biệt dược gốc nhiều khi chưa chắc đã cần.
Và tôi muốn lưu ý còn chính sách bán hàng.
Tại sao giá thuốc biệt dược cao, vì chi phí nghiên cứu phát triển ra một loại thuốc cao đã đành, nhưng cũng vì chi phí cho bộ máy trình dược viên nữa, lương của họ cao ngất trời. Chưa kể nếu có hoa hồng hay chiết khấu đó thì chúng ta phải đấu tranh. Và cuộc đấu này trên toàn thế giới chứ không phải riêng Việt Nam, kể cả ở các nước phát triển, tuy nhiên nhiều người vẫn sa ngã vì đồng tiền.
Ở các nước khác, những doanh nghiệp dược khi vi phạm vào điều này thì bị phạt rất lớn, mấy tỷ USD. Còn Việt Nam khi nghe các doanh nghiệp dược “hô” là sẽ không cung ứng thuốc chưa gì đã hoảng hết cả lên rồi. Thành ra chúng ta buồn ở chỗ đó, thân phận nước nhỏ bé và khi mà người quản lý không đủ dũng cảm là như vậy. Nên chăng, chúng ta cần những giải pháp mạnh tay và biện pháp quyết liệt./..
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bài 5: Bài toán đơn thuốc “hoa hồng”: Đừng để “gậy ông đập lưng ông”