Người đàn ông với dáng người thanh mảnh, thỉnh thoảng trong cuộc trò chuyện lại ho húng hắng lên một vài tiếng. Tiếng ho nặng, chỉ trực như muốn tung ra từ trong phổi và lồng ngực.
Nhưng, mỗi khi ho, anh Nguyễn Quốc Cường (37 tuổi) ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định lại cẩn thận lấy tay giữ chặt lấy chiếc khẩu trang trên mặt mình, cố kiềm lại.
Anh tâm sự: “Thời gian gần đây, những cơn ho xuất hiện trong cơ thể dồn dập hơn và rất khó chịu do vi khuẩn lao đã kháng thuốc.”
Lao đao vì bạo bệnh
Chúng tôi đến Bệnh viện lao và phổi Bình Định vào những ngày cuối của tháng 11. Nơi đây vừa trải qua một trận ngập lịch sử do lũ gây ra. Khuôn viên của bệnh viện sân vẫn còn sình lầy bùn đất.
Lối đi từ cổng bệnh viện vào khu nhà chính ngập bì bõm nước, phía góc cổng vào có một hàng từng viên gạch được đặt lên trên những vũng ngập để người đi bộ có thể bước qua...
Trò chuyện với anh Cường bên hành lang của bệnh viện, trời Bình Định vẫn tiếp tục đổ mưa, những hạt mưa rơi bồm bộp trên mái hiên, gõ tí tách trên nền xi măng của sân. Chốc chốc, mỗi khi ho anh lại lấy tay để giữ chặt chiếc khẩu trang khỏi bị bung ra.
Anh giãi bày: “Mình bị bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc nhưng phải làm sao giữ để không lây bệnh cho những người xung quanh.”
Trên gương mặt mà chiếc khẩu trang choán gần hết, chỉ còn hiện rõ rất đôi mắt sáng, anh Cường cho hay, anh phát hiện ra mình bị bệnh lao đầu năm 2013 và gần đây bệnh tình nặng hơn anh mới biết đã bị lao kháng thuốc.
“Khi điều trị, tôi tuân thủ đúng theo phác đồ, song do tôi bị nhiễm một loại vi khuẩn lao kháng thuốc nên công việc điều trị sau này càng khó khăn và phức tạp hơn.” Anh Cường giãi bày.
Người đàn ông làm nghề xây dựng này kể lại, trước đây do “ham công tiếc việc,” anh dồn hết sức vào công việc của mình và ít có thời gian chăm sóc sức khỏe cho bản thân hơn. Đến khi thấy sức khỏe suy yếu, anh tới cơ sở y tế kiểm tra và được biết mình bị nhiễm lao từ lúc nào không hay.
Ái ngại thay, gần hai tháng trở lại đây, sau khi điều trị, những cơn ho tiếp tục tái diễn trở lại với anh. Qua thăm khám và những xét nghiệm, các bác sỹ cho biết anh Cường đã bị bệnh lao kháng thuốc.
Tâm sự về cuộc sống của mình, anh Cường ngậm ngùi, từ ngày phải đi điều trị bệnh, thu nhập của anh hầu như không có. Hiện tại, anh phải nghỉ việc để điều trị, mỗi đợt điều trị dài cả tháng, với kinh phí khoảng 6-7 triệu đồng, khá tốn kém so với đồng lương ít ỏi.
Bên cạnh đó, công việc không ổn định, bấp bênh. Gánh nặng bệnh tật và kinh tế lại càng đè nặng lên đôi vai của anh khi phải vừa chạy chữa bệnh tật, vừa nuôi đứa con 10 tuổi...
Một bệnh nhân khác là chị Huỳnh Thị Tám (46 tuổi) ở Tuy Phước, Bình Định cho hay, chị bị lao đã 20 năm nay và thời gian gần đây bệnh trở nên nặng hơn vì có những dấu hiệu của bệnh lao khang thuốc.
Người phụ nữ với vóc dáng gầy, nước da ngăm đen tâm sự, chị đã có ba con, trong khi hai vợ chồng đều làm nghề nông. Từ khi bệnh nặng, chị thường xuyên phải vào bệnh viện chữa bệnh, mỗi tháng chi phí đi chữa bệnh cũng mất từ 4-5 triệu đồng. Do vậy, khó khăn của vợ chồng chị ngày càng chồng chất hơn.
Đó chỉ là 2 trong số hơn 90 bệnh nhân bị bệnh lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng như hàng nghìn người nhiễm lao trên cả nước đang phải đối mặt với mối nguy hiểm do bệnh tật mang lại.
Mối hiểm họa không hề nhỏ
Theo các chuyên gia y tế, lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc là bệnh hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Phân tích về tình trạng bênh lao tại Bình Định, thạc sỹ Võ Kiên Cường - Phó giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh chia sẻ, khó khăn và thách thức lớn nhất đối với công tác phòng chống lao tại địa phương hiện nay là tỷ lệ người bị bệnh lao mắc mới và lao đa kháng thuốc ngày một gia tăng.
Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, nếu như năm 2010 chỉ có 26 bệnh nhân bị lao kháng thuốc thì trong 9 tháng năm 2013 bệnh viện đã tiếp nhận 44 bệnh nhân.
Bác sỹ Cường cho biết, bắt đầu từ năm 2010, bệnh viện đã có một đơn nguyên điều trị các bệnh nhân lao đa kháng thuốc với 10 giường, đến nay bệnh viện đã thu nhận được 94 bệnh nhân.
Phân tích về vấn đề lao kháng thuốc, phó giáo sư Đinh Ngọc Sỹ - Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam cho hay, hiện nay Việt Nam đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu.
Ông Sỹ nhấn mạnh, tại Việt Nam, công tác phòng chống lao gặp nhiều khó khăn và thách thức khi tình trạng lao đa kháng thuốc đang diễn biến phức tạp do sự gia tăng của y tế tư nhân thực hành điều trị chưa đạt chuẩn. Nhiều vi khuẩn lao kháng những thuốc mạnh nhất, có hiệu lực nhất hiện nay. Bên cạnh đó, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát lao kháng thuốc còn thấp (25% năm 2013) và nguồn lực cho lao đa kháng thuốc hoàn toàn từ ngân sách viện trợ.
Theo thông tin từ Hội lao và bệnh phổi Việt Nam, tại Việt Nam mỗi năm có 3.000-3.500 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Trong khi đó, các cơ sở điều trị mới quản lý được khoảng 1.000 bệnh nhân trong diện này (trong đó 1/3 số bệnh nhân lao đang được quản lý nhờ các thuốc viện trợ từ quốc tế), còn 2/3 số đó chưa được phát hiện và chưa được quản lý.
Vị Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam chỉ rõ: “Điều nguy hiểm nhất hiện nay là số bệnh nhân lao kháng thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc cho nhiều người khác. Chúng tôi đang mở rộng diện quản lý bằng cách phát hiện bệnh nhân lao đa kháng thuốc trong cộng đồng càng sớm càng tốt.”
Đặc biệt, hiện nay việc điều trị các bệnh nhân lao đa kháng thuốc rất phức tạp và khó khăn. Chi phí điều trị của họ cao, thời gian điều trị kéo dài, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh thấp, tỷ lệ bỏ trị và tử vong của bệnh nhân cao. Hơn nữa, nguy cơ những vi khuẩn lao kháng thuốc khi lây sang bệnh nhân mắc mới càng nguy hiểm hơn.
Theo thông tin từ chương trình phòng chống lao quốc gia, công tác phòng chống lao thời gian tới đứng trước thách thức rất lớn về nguồn nhân lực và nguồn tài chính do sự giảm nhanh nguồn viện trợ quốc tế những năm tiếp theo trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Bởi hiện nay hầu hết tất cả các trang thiết bị cho chẩn đoán bệnh lao đa kháng thuốc phụ thuộc và nguồn viện trợ.
Vì vậy, phó giáo sư Đinh Ngọc Sỹ kiến nghị cần có sự ưu tiên, phối hợp trong tổ chức quản lý giữa các bộ, ngành trước vấn nạn của bệnh lao kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên. Vị Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam cảnh báo mối nguy hiểm về “Ngày tận thế” của nhân loại nếu tất cả các thuốc lao bị kháng./.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân lao đa kháng thuốc là do 1 vi khuẩn bị điều trị thuốc quá lâu, nên nó dẫn đến kháng thuốc. Nguyên nhân thứ hai có thể là do người bệnh điều trị không đầy đủ, điều trị dở xong bỏ, do kê đơn không đúng cách, làm vi khuẩn không bị diệt, giúp nó sống chung với vi khuẩn đó.