Bệnh lao kháng thuốc diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Nam Bộ

Công tác phòng chống lao ở khu vực Tây Nam Bộ đang đối mặt với với thách thức lớn khi tình hình lao kháng thuốc phức tạp và ngày càng gia tăng.
Bệnh lao kháng thuốc diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Nam Bộ ảnh 1Xét nghiệm lao. (Nguồn: TTXVN)

Tại hội thảo “Tăng cường công tác phòng chống lao khu vực Tây Nam Bộ” do Bộ Y tế phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng Văn phòng đại diện Chương trình chống Lao quốc gia khu vực Tây Nam Bộ cho rằng công tác phòng chống lao ở khu vực Tây Nam Bộ đang đối mặt với với thách thức lớn khi tình hình lao kháng thuốc phức tạp và ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể mới trên 100.000 dân ở khu vực Tây Nam Bộ luôn duy trì ở mức cao.

Trong 5 năm qua, tỷ lệ lao các thể ở khu vực Tây Nam Bộ luôn duy trì trong khoảng trung bình 141/100.000 dân. Tỷ lệ này gấp khoảng 1,3 lần so với tỷ lệ phát hiện lao các thể trên 100.000 dân của toàn quốc (trung bình 112/100.000 dân).

Các tỉnh, thành có tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể phát hiện cao hơn mức trung bình và đăng ký điều trị cao nhất nước: An Giang đứng thứ 3 với gần 21.000 bệnh nhân (chiếm 4,5%); Đồng Tháp đứng thứ 7 với gần 15.000 bệnh nhân; Kiên Giang thứ 9 với gần 13.000 bệnh nhân; Long An thứ 13 với gần 11.000 bệnh nhân.

Các tỉnh, thành như Cần Thơ, Sóc Trăng và Tiền Giang lần lượt xếp vị trí thứ 14, 16, 17 với số bệnh nhân gần 10.000 bệnh nhân.

Công tác phòng chống lao khu vực Tây Nam Bộ gặp không ít khó khăn, thách thức: tình hình lao kháng thuốc diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng, tỷ lệ bỏ trị cao. Tình hình dịch tễ bệnh lao, lao kháng thuốc còn nặng nề, số lượng bệnh nhân lao phát hiện hàng năm cao thứ 2 trong toàn quốc, chỉ sau khu vực Đông Nam Bộ. Trung bình mỗi năm, các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ phát hiện khoảng 1.300 bệnh nhân lao kháng thuốc, chiếm 25% số lượng bệnh nhân của cả nước.

Các tỉnh có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao như: An Giang 220 bệnh nhân; Đồng Tháp 150 bệnh nhân; Kiên Giang 130 bệnh nhân; Cần Thơ và Long An 100 bệnh nhân...

Trong khi đó, việc quản lý lao đa kháng thuốc lại thiếu kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh như Cà Mau, Vĩnh Long; các tỉnh, thành như: Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre thiếu thuốc và hóa chất trong phòng chống lao...

Tiến sỹ Nguyễn Đức Chính, Phó Trưởng Ban điều hành Dự án Phòng chống Lao quốc gia chỉ ra thực trạng ở khu vực Tây Nam Bộ, công tác phòng chống lao hiện cũng đang đối mặt với khó khăn như thiếu nhân lực làm công tác chống lao đã tồn tại ở nhiều địa phương.

Tình trạng lồng ghép cán bộ hoặc kiêm nhiệm nhiều việc ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của chương trình phòng chống lao của các tỉnh...

Hiện 13 tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ, chỉ có 5 tỉnh là Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang và Đồng Tháp cơ bản đáp ứng đủ nguồn nhân lực làm công tác phòng chống lao. Các tỉnh, thành như Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An và Kiên Giang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực phòng chống lao. Tỉnh An Giang hiện chưa có Bệnh viện Lao và bệnh Phổi...

Tình hình dịch tễ bệnh lao ở khu vực Tây Nam Bộ diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, sự đầu tư cho công tác phòng chống lao ở khu vực lại còn hạn chế: thiếu nhân sự cho công tác phòng chống lao, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng dẫn đến khó khăn trong thu hút nhân lực tham gia công tác phòng chống lao.

Để chương trình chống lao đạt hiệu quả, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Trưởng ban điều hành Dự án Phòng chống Lao quốc gia cho rằng công tác phòng chống lao cần phải được xem là nhiệm vụ của toàn xã hội, cần sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để áp dụng các giải pháp mới, công nghệ mới, thuốc mới... trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, tiến tới thanh toán bệnh lao tại Việt Nam.

Để giảm gánh nặng bệnh lao, Chương trình chống lao quốc gia đã xây dựng Đề án can thiệp tích cực hoạt động phòng chống lao khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn 2017-2020. Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng năng lực cho Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Cần Thơ thành trung tâm chuyên khoa đầu ngành khu vực Tây Nam Bộ; sàng lọc, phát hiện chủ động lao, lao trẻ em, tăng tỷ lệ phát hiện và tăng tỷ lệ điều trị thành công; giảm bỏ trị trong lao kháng thuốc.

Đề án ưu tiên đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật mới vào khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao cho khu vực Tây Nam Bộ; xây dựng chính sách khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia công tác phòng chống lao và hỗ trợ bệnh nhân lao.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục