Bệnh béo phì - mảnh đất màu mỡ của các Big Pharma

Căn bệnh béo phì ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người trên thế giới. Sau nhiều thập kỷ thất bại, một thế hệ thuốc giảm cân mới cho bệnh nhân béo phì đang bắt đầu xuất hiện ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Bệnh béo phì - mảnh đất màu mỡ của các Big Pharma ảnh 1Người mắc bệnh béo phì được điều trị tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận định về triển vọng thị trường thuốc chống béo phì, nhật báo Les Echos số ra mới đây cho biết các Big Pharma (chỉ các tập đoàn dược phẩm lớn) đã tung ra thị trường những loại thuốc mới với công dụng giảm cân đầy khả quan, hứa hẹn sẽ mang lại một nguồn thu kếch xù cho ngành công nghiệp dược phẩm trong thời gian tới.

Sau nhiều thập kỷ thất bại, một thế hệ thuốc giảm cân mới cho bệnh nhân béo phì đang bắt đầu xuất hiện ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Với kết quả lâm sàng đặc biệt khả quan (giảm trung bình 15-20% trọng lượng), những phương pháp điều trị này có hiệu quả gấp 2-3 lần so với những phương pháp hiện có, và có thể tạo ra một bước ngoặt trong việc kiểm soát căn bệnh đang khiến các cơ quan y tế hết sức lo lắng.

[Nghiên cứu phát hiện phương thuốc mới giúp điều trị bệnh béo phì]

Kể từ lần cảnh báo đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được đưa ra vào năm 1997, về "dịch bệnh không lây nhiễm đầu tiên trong lịch sử nhân loại," bệnh béo phì đang tiếp tục lan rộng.

Ngày nay, căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người trên thế giới, trong đó có khoảng 650 triệu người trưởng thành. Gần 1/4 số người lớn ở châu Âu hiện được coi là "béo phì."

Được Liên minh châu Âu công nhận là một bệnh mãn tính từ năm 2021, tình trạng béo phì xuất phát từ nhiều nguyên nhân và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, mắc bệnh tiểu đường type 2 và một số dạng bệnh ung thư.

Những nguy cơ này đều dẫn đến rủi ro tăng chi phí bảo hiểm y tế. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được công bố năm 2019, Pháp đã dành đến 4,9% ngân sách y tế cho béo phì, thừa cân và các bệnh liên quan.

Một thị trường sôi động...

Chính vì số bệnh nhân béo phì ngày càng tăng nên nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu tìm ra thuốc điều trị hiệu quả, với tham vọng chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trên thị trường dược phẩm nhờ "vũ khí" chống béo phì mới của họ.

Trong số các công ty dược được nhắc đến trong cuộc đua này, phải kể đến Novo Nordisk của Đan Mạch. Họ đã được cấp phép tiếp thị sản phẩm Wegovy tại thị trường Mỹ vào năm 2021.

Bệnh béo phì - mảnh đất màu mỡ của các Big Pharma ảnh 2Người mắc bệnh béo phì tập thể dục tại phòng tập ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Wegovy là một phương pháp điều trị theo chỉ định giúp giảm cân cho người béo phì, được thực hiện bằng cách tiêm dưới da bằng ống tiêm nạp trước, tương tự như các ống tiêm insulin có sẵn trong điều trị bệnh tiểu đường.

Đây là thế hệ đàn em của Ozempic, một loại thuốc trị tiểu đường đã được Novo Nordisk phát triển thành công, một trong những ứng viên nặng ký trên thế giới trong thị trường này, đã được cấp phép tại Mỹ từ năm 2017 để điều trị bệnh tiểu đường type 2.

Wegovy chứa semaglutide, một chất tương tự của GLP-1, một loại hormone tự nhiên giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Ban đầu, thuốc chỉ nhằm mục đích kích thích giải phóng insulin ở bệnh nhân tiểu đường.

Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học đã quan sát thấy chuột bạch và chuột cống giảm cân khi sử dụng Wegovy. Họ phát hiện ra rằng thuốc cũng có tác động lên các vùng não để điều chỉnh sự thèm ăn.

Đột phá của Novo Nordisk ở thị trường béo phì không phải là mới. Trước đó, công ty dược phẩm Đan Mạch này cũng đã phát minh ra một loại thuốc điều trị thành công khác dựa trên GLP-1 được chấp thuận cho việc điều trị bệnh lý này, đó là Saxenda.

Tuy nhiên, kết quả giảm cân của Saxenda khiêm tốn hơn so với Wegovy. Điều này khiến các nhà sản xuất kỳ vọng lớn về doanh số bán hàng của Wegovy trong tương lai.

Chỉ trong 9 tháng của năm 2022, hai loại thuốc này đã mang về doanh thu 1,5 tỷ euro cho Novo Nordisk.

Các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley, khi so sánh sự gia tăng của thị trường thuốc béo phì với sự phát triển của thị trường thuốc cao huyết áp trong những năm 1990, đã nhận định đây mới chỉ là bước khởi đầu.

Theo ước tính của họ, doanh thu từ việc kinh doanh các loại thuốc chống béo phì có thể lên tới 54 tỷ USD (43,5 tỷ euro) vào năm 2030.

Novo Nordisk cũng không đơn độc trên đường đua. Lilly của Mỹ, một quán quân khác về bệnh tiểu đường cũng đã tham gia vào cuộc đua này.

Mounjaro, thuốc điều trị tiểu đường của hãng này có thể được chấp thuận sử dụng để chống béo phì vào năm 2023 tại Mỹ.

Phát biểu trong chuyến công du qua Paris vào cuối tháng 9/2022, David Ricks, ông chủ của tập đoàn dược phẩm Lilly, đã không che giấu tham vọng khi tuyên bố: "Chúng tôi có khả năng điều trị béo phì bằng một loại thuốc dễ sử dụng, với hiệu quả giảm cân gần bằng với kết quả phẫu thuật cắt bọng mỡ, nhưng không để lại nhược điểm như phẫu thuật. Đó là sự thay đổi căn bản."

... nhưng vẫn cần cảnh báo

Các Big Pharma khác, như công ty công nghệ sinh học Amgen của Mỹ hay Adocia của Pháp, cũng đang theo dõi thị trường với một sự quan tâm lớn.

Không giống như các đối thủ của mình, Adocia lại tập trung nỗ lực vào các bệnh nhân béo phì mắc bệnh tiểu đường type 1.

Công ty khởi nghiệp của Pháp đang phát triển một loại thuốc chống béo phì kết hợp hai hormone có tên gọi là M1Pram.

Hiện kết quả giai đoạn 2 đã chứng minh hiệu quả của thuốc. "Chúng tôi đang tìm kiếm đối tác để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn còn lại," Olivier Soula, Phó Tổng giám đốc của công ty, cho biết.

Mặc dù triển vọng của những sản phẩm mới này rất khả quan, nhưng các công ty dược phẩm vẫn triển khai một cách thận trọng và đưa ra cảnh báo rằng những loại thuốc này chỉ dành cho những bệnh nhân đáp ứng được các tiêu chí cụ thể chứ không phải để sử dụng cho mục đích thẩm mỹ.

Nguyên nhân là do trong lịch sử đã có không ít những thất bại và các vụ bê bối về sức khỏe được ghi dấu ấn trong các phương pháp điều trị chống lại bệnh béo phì.

Tại Pháp, vụ Mediator, một loại thuốc chống tiểu đường bị lạm dụng như thuốc ức chế thèm ăn, là nguyên nhân gây ra tổn thương tim nghiêm trọng khiến một số người tử vong, để lại một ký ức cay đắng tại Pháp.

Theo các chuyên gia y tế, việc cảnh báo là không thừa bởi vì thực tế cho thấy đang có những sự nhìn nhận lệch lạc, thậm chí lạm dụng các loại thuốc trên.

Tại Australia, các bài đăng của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo về lợi ích giảm cân của một số loại thuốc chống tiểu đường đã làm tăng vọt nhu cầu đối với những loại thuốc này, thậm chí gây ra sự thiếu hụt cục bộ.

Tại Hollywood, việc sử dụng này đã trở nên phổ biến đối với những ngôi sao muốn giảm cân nhẹ nhàng.

Cho đến cả ông chủ của Twitter, Elon Musk, vào đầu tháng 10 trên mạng xã hội cũng cho biết đã từng sử dụng Wegovy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục