Bến xe vắng khách, cửa ngõ Thủ đô ùn tắc cục bộ ngày cuối kỳ nghỉ Tết

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân thuê xe taxi hoặc xe hợp đồng để lên Thủ đô hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch nên các bến xe vắng lặng và thưa thớt hành khách.
Bến xe Giáp Bát lác đác có xe khách địa phương vào bến trả khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người dân các tỉnh, thành đổ xô về Hà Nội. Tuy nhiên, vào cuối giờ chiều ngày 16/2 (ngày mùng 5 nghỉ Tết), bến xe khách vắng lặng trong khi các cửa ngõ Thủ đô ùn tắc cục bộ.

Bến xe thưa thớt hành khách

Lo ngại ùn tắc, ngay đầu giờ chiều, anh Trần Trung Kiên (thành phố Ninh Bình) vội vàng bắt xe khách để lên Hà Nội. Tuy nhiên, khi lên xe khách biển kiểm soát 35B-004.72 chạy tuyến Ninh Bình-Hà Nội, anh Kiên ngỡ ngàng khi có 4 hành khách trên xe.

Theo anh Kiên, hành khách đi trên xe đều khai báo y tế và đeo khẩu trang để phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Suốt hành trình lên Thủ đô, chiếc xe khách 29 chỗ cũng chỉ bắt thêm được chừng hơn 10 hành khách dọc đường.

“Giá vé nhà xe lấy đồng giá là 100.000 đồng, đắt hơn 30% so với ngày thường (giá vé tuyến Ninh Bình-Hà Nội chỉ 70.000 đồng) với ly do chiều về rỗng khách nên hành khách bù thêm chút ít cho cánh anh em lái phụ xe có tiền uống nước,” anh Kiên nói.

[Chiều mùng 4 Tết, các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô ùn tắc kéo dài]

Thở dài ngao ngán sau hành trình “cõng khách” tới Thủ đô, lái xe Phạm Văn Hà chạy tuyến Ninh Bình-Hà Nội bảo, lượng khách chiều nay vẫn còn “khá khẩm” hơn nhiều so với ngày hôm qua và mấy ngày trước Tết Nguyên đán.

Lý giải sự khác biệt so với các dịp Tết khác, anh Hà cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân thuê xe taxi hoặc xe hợp đồng về quê để hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch. Mặt khác, một lượng lớn người dân chủ động đi xe máy về quê hành khách trên xe rất ít.

“Nếu tình hình cứ tiếp diễn như này, nhà xe chắc cũng phải tính đến việc ‘đắp chiếu’ xe bởi nếu vận hành tuyến cũng chưa đủ tiền xăng dầu, chưa kể còn trả lương cho lái và phụ xe khách,” anh Hà chỉ ra thực tế.

Tại nút giao cầu Vạn Điểm trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ bị ùn tắc cục bộ. Lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông đã có mặt để phân luồng, điều tiết phương tiện đi sang Quốc lộ 1 nhằm giảm mật độ xe ngày càng dồn về đông trên tuyến đường này.

Tuy nhiên, đoạn cuối cao tốc Pháp Vân cũng rơi vào cảnh ùn tắc do phương tiện xếp hành chờ vào làn rẽ phải ngay tại nút giao lên đường Vành đai 3. Càng về chiều, lượng phương tiện dồn về càng đông.

Lượng phương tiện xe nối đuôi tại đường Ngọc Hồi để vào thành phố Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ở bến xe Giáp Bát, lượng xe đổ về bến rất ít và bến rất vắng lặng, lác đác có vài xe khách vào trong khu vực trả khách. Cánh cửa xe mở ra, mỗi xe cũng chỉ có vài khách bước chân xuống.

Phía ngoài cửa bến xe khu vực đường Giải Phóng, phương tiện lưu thông thông thoáng và mật độ ít.

Đại diện bến xe Giáp Bát cho biết lượng khách đổ về bến xe chỉ rơi vào khoảng 20-30% so với ngày thường. Nguyên nhân được vị này nhìn nhận là do sinh viên và người lao động vẫn ở quê, chỉ có công chức và nhân viên doanh nghiệp lên Thủ đô để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên (ngày 17/2).

“Trong vài năm gần đây, sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách về bến càng ngày càng ít do người dân đi xe hợp đồng hoặc taxi. Dịch COVID-19 đang bùng phát cũng là lý do để người dân hạn chế đi xe khách và chọn phương tiện cá nhân để lên Thủ đô,” vị đại diện bến xe Giáp Bát cho hay.

Lưu trữ thông tin hành khách tối thiểu 21 ngày

Nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khi đông đảo người dân từ các địa phương trở lại Thủ đô, Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải) đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tổ chức, kiểm tra việc kê khai thông tin hành khách trên xe.

Cụ thể, các đơn vị khai thác bến xe tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các đơn vị vận tải có phương tiện hoạt động tại bến xe; kiểm tra, giám sát và thu thập đầy đủ thông tin hành khách trên xe từ các địa phương khác đến bến xe trên địa bàn thành phố (đối chiếu giữa danh sách hành khách do nhà xe cung cấp với hành khách thực tế lên, xuống tại bến xe, lưu trữ thông tin danh sách hành khách tối thiểu 21 ngày).

[Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngày cuối đợt nghỉ Tết Tân Sửu]

Mặt khác, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định phải ghi chép đầy đủ thông tin hành khách trên xe (họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, thời gian và địa điểm khi lên và xuống xe tại các đầu bến và điểm dừng đón trả khách trên tuyến); cung cấp đầy đủ thông tin hành khách cho bến xe ngay khi xe chuẩn bị xuất bến và đến bến. Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin hành khách cho các cơ quan chức năng thực hiện truy vết trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (lưu trữ tối thiểu 21 ngày).

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết các bến xe thuộc đơn vị quản lý (gồm Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm) sẽ kiên quyết từ chối phục vụ đối với các xe không xuất trình bản kê danh sách hành khách đi xe có đầy đủ thông tin theo yêu cầu.

Để hạn chế việc lây nhiễm dịch COVID-19, các bến xe đã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận thông tin bằng ảnh chụp bản kê của các chuyến xe qua Zalo và gửi về Trưởng ca điều hành để thực hiện lưu trữ thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục