Bến xe miền Đông mới chính thức đi vào hoạt động từ 10/10

Bến xe được đầu tư xây dựng tại vị trí giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương trong cả nước.
Từ ngày 10/10/2020, các tuyến có cự ly 1.100km trở lên (từ tỉnh Quảng Trị trở ra phía Bắc) sẽ hoạt động tại Bến xe miền Đông mới. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngày 10/10, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Samco) tổ chức lễ khai trương Bến xe miền Đông mới và thực hiện di dời một số tuyến xe từ Bến xe miền Đông hiện hữu đến Bến xe miền Đông mới (giai đoạn 1).

Bến xe miền Đông mới nằm ở số 501 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, Quận 9.

Dự án được đầu tư xây dựng tại vị trí giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương trong cả nước.

Giai đoạn 1 của Bến xe miền Đông mới được đầu tư gần 700 tỷ đồng.

Với mục tiêu phục vụ 7 triệu lượt hành khách mỗi năm và là hạ tầng phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành, Bến xe miền Đông mới được thiết kế không gian mở, thông thoáng với khối nhà ga 2 tầng hầm và 4 tầng nổi, bao gồm sảnh đón khách, bãi chờ, kết nối các chức năng tiện ích nhằm tăng sự hài lòng cho hành khách.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết Thành phố Hồ Chí Minh hiện có tất cả các phương tiện giao thông, từ đường hàng không, đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt và chuẩn bị có đường sắt đô thị. Sự dịch chuyển từ Bến xe miền Đông hiện hữu sang vị trí mới (Bến xe miền Đông mới) là minh chứng Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển.

Theo ông Võ Văn Hoan, Bến xe miền Đông mới có diện tích lớn, nhiều tiện ích và nằm ở vị trí rất thuận lợi, là đầu mối giao thông trong khu vực, đồng thời là nút giao thông giữa tuyến đường bộ, đường sắt đô thị.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tin rằng bến xe sẽ phát huy tất cả lợi thế để đóng góp cho sự phát triển của thành phố, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, phục vụ người dân thành phố và các địa phương.

Theo ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Samco, vị trí Bến xe miền Đông mới phù hợp để phát triển thành trung tâm trong mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng. Tương lai gần, bến xe sẽ là đầu mối giao thông quan trọng góp phần phát triển thành phố thông minh ở phía Đông.

Bến xe còn được quy hoạch trở thành khu phức hợp đa chức năng gắn với trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, giao nhận hàng hóa logistic kết hợp với giải trí, hài hòa với khu vực quảng trường metro và cây xanh phục vụ cho sinh hoạt của cộng đồng.

Khu vực quầy bán vé tại Bến xe miền Đông mới. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Các tuyến vận tải hành khách cố định hoạt động tại Bến xe miền Đông hiện hữu sang Bến xe miền Đông mới bắt đầu từ ngày 10/10, gồm các tuyến có cự ly 1.100km trở lên (từ tỉnh Quảng Trị trở ra phía Bắc).

Trong ba tháng đầu, đơn vị hoạt động các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định thuộc diện di dời, được lưu đậu và đón trả khách tại Bến xe miền Đông hiện hữu trước khi đến Bến xe miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định.

Nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách, hiện có 3 tuyến xe buýt kết nối Bến xe miền Đông mới gồm tuyến Bến Thành-Bến xe miền Đông mới (Mã số tuyến 93), Công viên phần mềm Quang Trung-Khu Công nghệ cao-Bến xe miền Đông mới (mã 55), Long Phước-Suối Tiên-Bến xe miền Đông mới (mã 76).

Cùng với đó, nhiều tuyến xe buýt có lộ trình đi ngang qua Bến xe gồm: Chợ Lớn-Ngã ba Tân Vạn (mã 150), Bến xe miền Tây-Bến xe Biên Hòa (mã 60-1), Đại học Nông Lâm-Bến xe Phú Túc (mã 60-2), Bến xe miền Đông-Khu Công nghiệp Nhơn Trạch (mã 60-3), Bến xe miền Đông-Khu công nghiệp Sông Mây (mã 60-4)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục