Bến xe đìu hiu vắng khách, hàng không đông nhất ngày cuối nghỉ Tết

Theo lãnh đạo các bến xe, trong ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, lượng khách đi lại vắng hơn do năm nay người dân trở lại Thủ đô sau Tết sớm hơn và sử dụng xe cá nhân để phòng dịch COVID-19.
Hành khách xách đồ đạc sau chuyến trở về thành phố mệt nhoài vì ken cứng phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Hành khách xách đồ đạc sau chuyến trở về thành phố mệt nhoài vì ken cứng phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày 6/2, ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lượng người từ các tỉnh đổ về bến xe Hà Nội khá ít, khu vực trong và ngoài bến lác đác người. Trái ngược lại, sân bay Nội Bài lại ken cứng khách bay.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 16 giờ chiều, tại bến xe Giáp Bát có rất ít xe khách vào bến. Trên xe, số lượng hành khách cũng không đông, thậm chí có xa chỉ có khoảng 10 khách.

Một nhân viên bảo vệ trực chốt cổng bến xe Giáp Bát cho biết trong ngày 6/2, lượng người và xe đổ về bến xe Giáp Bát cao hơn chút ít so với ngày 5/2 do hôm nay là ngày cuối của kỳ nghỉ lễ. Hệ số sử dụng ghế dao động khoảng 30-50% do không có nhiều người chọn xe khách làm phương tiện di chuyển.

Tại khu vực cổng trả khách của bến xe Mỹ Đình, xe khách từ các tỉnh đổ về khá thưa thớt. Đa phần lượng người trở lại Thủ đô bằng xe khách trong chiều nay như các tuyến Phú Thọ, Quảng Ninh, Lào Cai và một số các tuyến buýt kế cận từ Sơn Tây, Bắc Ninh. Khung giờ đổ về đông nhất tại bến xe từ 13-17 giờ.

Theo lãnh đạo bến xe nước Ngầm, lượng người và phương tiện vào ra đông đúc vào rạng sáng mùng 6 Tết bởi bến đa phần tập trung các tuyến xe đường dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh nên hành khách chủ yếu chọn khung giờ đêm đi để sáng sớm có thể tới Hà Nội. Do đó, vào cuối giờ chiều nay, lượng xe về bến rất thấp.

Ngay từ đầu giờ chiều 6/2, lượng người và xe lưu thông quá đông khiến Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Nam) rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Dưới tiết trời âm u, mưa nhỏ và rét, dòng xe nối đuôi nhau, nhích từng mét.

Anh Nguyễn Văn Công, lái xe khách biển kiểm soát 35B-0078 (chạy tuyến Ninh Bình-Hà Nội) cho biết trong 2 ngày vừa qua, trên xe chỉ khoảng hơn 10 hành khách.

“Với tâm lý lo ngại dịch bệnh COVID-19, đa số người dân đi bằng xe cá nhân hoặc thuê xe. Nhà xe chỉ đủ trang trải chi phí chiều lên, còn chiều về đa phần ‘chạy rỗng’,” anh Công thở dài nói

Theo anh Công, từ đầu thành phố Hà Nam đã bắt đầu xảy ra ùn tắc cục bộ kéo dài đến qua trạm thu phí Nam Cầu Giẽ khoảng gần 20km. Lượng người và phương tiện gia tăng đột biến trong thời điểm này nên người điều khiển xe phải mất tới hơn 1 tiếng mới thoát được khu vực này.

"Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người bắt đầu lên thành phố Hà Nội khiến tuyến Quốc lộ 1 qua Hà Nam rơi vào cảnh quá tải, ken cứng người và xe," lái xe Công chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo anh Công, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã tổ chức phân làn, giảm lưu lượng xe đi cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình bằng cách điều tiết bớt xe sang Quốc lộ 1 khiến phương tiện lại được "nêm chặt" thêm.

[Phân luồng tại các cửa ngõ Thủ đô, đón người dân trở lại Hà Nội]

Vào lúc 17 giờ, trên tuyến cao tốc đoạn Cầu Giẽ-Pháp Vân, lượng xe càng ngày dồn về đông và phương tiện di chuyển cũng rất khó khăn. Cách khu vực trạm thu phí Thường tín khoảng 750m và cuối trạm phí Pháp Vân, lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện điều tiết bớt xe đi vào tuyến đường gom để tránh ùn tắc cục bộ kéo dài tuyến đường hướng vào trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, càng về tối, mật độ giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô càng gia tăng...

Bến xe đìu hiu vắng khách, hàng không đông nhất ngày cuối nghỉ Tết ảnh 1Lượng phương tiện nối đuôi nhau xếp hàng tại điểm cuối cao tốc Pháp Vân để vào trung tâm thành phố. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tại ga Hà Nội, các chuyến tàu đông kín chỗ đưa người dân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày.

Đại diện ga Hà Nội cho hay các chuyến tàu về ga gần như đã kín khách, chủ yếu chỉ còn vài ghế phụ. Đông nhất là tàu Hải Phòng LP6 về ga Hà Nội trưa nay có hơn 1.000 khách, các tàu như SE36 Vinh-Hà Nội, tàu Thống nhất SE8 về trong chiều, tối nay cũng hơn 400 khách/đoàn tàu bao gồm cả ghế phụ, gần kín phương án chỗ.

“Lượng khách này cao hơn những ngày Tết Tân Sửu 2021 nhưng vẫn rất thấp so với thời điểm trước khi có dịch,” đại diện ga Hà Nội nhìn nhận.

Theo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, ngày 6/2 (tức mùng 6 Tết), sân bay Nội Bài dự kiến khai thác 370 lượt cất/hạ cánh, trong đó đa số bay nội địa, với 332 chuyến bay. Các chuyến bay phục vụ khoảng 56.000 khách nội địa (đa số khách đi), đạt số khách cao nhất trong cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay và cao gấp đối Tết năm trước. Dù số chuyến bay và khách tăng cao hơn ngày thường, nhưng vẫn thấp hơn năng lực khai thác của sân bay Nội Bài.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết các hãng hàng không đã lập kế hoạch để tăng hơn 100 chuyến bay từ 6-12/2, chủ yếu chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ bay đêm do khung giờ ban ngày đã rất đông nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của nhân dân đi vào phía Nam sau kỳ nghỉ Tết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục