Hơn 1 năm kể từ khi VinSmart khánh thành Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), cho đến nay đây là một trong những nơi sản xuất và thử nghiệm smartphone lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tổ hợp Nhà máy Thiết bị thông minh VinSmart được xây dựng hoàn toàn mới với tổng công suất 125 triệu sản phẩm/năm sau khi hoàn thiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tổng diện tích mặt bằng khu sản xuất giai đoạn 1 là 45.200m2 (22.600m2 x 2 tầng) với công suất 23 triệu sản phẩm/năm trong giai đoạn 1. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà máy bao gồm các phân khu: Dây chuyền gắn và hàn linh kiện điện tử tự động; dây chuyền hiệu chỉnh và đo kiểm bản mạch tự động; dây chuyền lắp ráp sản phẩm; dây chuyền đóng gói sản phẩm; dây chuyền lắp ráp cụm màn hình; khu vực kho nguyên vật liệu và kho hàng thành phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà máy còn có khu vực sản xuất thử nghiệm độc lập bao gồm các kho nguyên vật liệu riêng, dây chuyền sản xuất riêng và hệ thống phòng thí nghiệm độc lập như phòng sóng và ăngten, phòng kiểm tra độ tin cậy, phòng kiểm tra hiệu năng, phòng thử nghiệm camera, phòng thử nghiệm audio. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khuôn viên Nhà máy VinSmart, hàng nghìn robot kết nối với nhau đảm nhiệm các phần việc lắp ráp, sản xuất, giảm thiểu sức lao động và lỗi phát sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những cánh tay người máy của robot nhện sẽ thay con người đảm bảo độ chính xác. Trong suốt quá trình, các kỹ sư hầu như chỉ giám sát công việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các mẫu điện thoại phải trải qua loạt kiểm tra về dòng diện để đo mức tiêu hao pin hay kiểm tra về sóng, âm thanh, cảm biến ánh sáng, gia tốc, màu màn hình…(Ảnh: PV/Vietnam+)
Một trong những hệ thống đáng chú ý của dây chuyền là dàn robot tự động giúp căn chỉnh lại các tham số của máy như sóng, hệ thống wifi,… theo chuẩn hệ thống. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những điện thoại vượt qua bài loạt kiểm tra của hệ thống robot được đi tiếp tới công đoạn sau. Sản phẩm nếu phát hiện lỗi sẽ bị đẩy sang bộ phận kiểm tra. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Điện thoại Vsmart xuất xưởng đều đảm bảo việc lấy mẫu và kiểm tra lô sản phẩm tuân thủ bảng tiêu chuẩn quốc tế AQL. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một trong những bài kiểm tra là test độ bền phím vật lý bằng robot với 200.000 lần thử nghiệm. Nếu phím vẫn hoạt động bình thường, mẫu điện thoại mới đủ điều kiện xuất xưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các chủng loại sản phẩm VinSmart sản xuất bao gồm điện thoại thông minh với công suất ước tính 23 triệu sản phẩm/năm; thiết bị IoT; nhà thông minh; các thiết bị điện tử dân dụng; thiết bị, linh kiện điện tử cho ôtô và xe máy; các loại khuôn và pin cho các thiết bị điện tử. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hiện nay, VinSmart đang hợp tác với Qualcomm (Mỹ) để nghiên cứu phát triển dòng điện thoại Vsmart Aris 5G V742. Theo chia sẻ của lãnh đạo VinSmart trước đó, Hoa Kỳ cũng là thị trường mục tiêu của công ty này trong năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trả lời câu hỏi của phóng viên VietnamPlus, lãnh đạo VinSmart khẳng định trong chiến lược chinh phục thị trường Mỹ, Aris và Aris Pro là sản phẩm chủ lục. Hiện, VinSmart đang tập trung vào thương mại hóa sản phẩm 5G và Mỹ sẽ là thị trường đầu tiên của các dòng sản phẩm này. 'Khi Việt Nam phủ sóng 5G, chúng tôi sẽ lập tức cung ứng sản phẩm ra thị trường,' lãnh đạo của VinSmart cho hay. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đầu tháng 7/2020, VinSmart ra mắt sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên với thương hiệu Vsmart Aris 5G tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như bảo mật lượng tử, khóa bảo mật... (Ảnh: PV/Vietnam+)
Toàn bộ Vsmart Aris 5G, mẫu điện thoại 5G đầu tiên của Việt Nam được sản xuất tại nhà máy này. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại một cuộc hội thảo diễn ra cách đây không lâu, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá: việc sản xuất điện thoại 5G khẳng định sự tự chủ trong nghiên cứu và phát triển thiết bị đầu cuối 5G của Vingroup, sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi hạ tầng viễn thông trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)