Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuỗi giá trị dừa được đánh giá đạt kết quả cao nhất trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Qua liên kết với doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân đã xây dựng được vườn dừa hữu cơ phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết việc xây dựng chuỗi giá trị dừa hữu cơ có ý nghĩa rất lớn, nhất là có thể liên kết những hộ sản xuất nhỏ để hình thành sản xuất lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Qua sản xuất dừa hữu cơ, giá trị sản xuất được tăng lên, sức mua của doanh nghiệp đối với người dân cũng tốt hơn và doanh nghiệp cũng thuận lợi trong kinh doanh.
Đến nay, chuỗi giá trị sản phẩm dừa của tỉnh Bến Tre đã có 27 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác tham gia với tổng diện tích liên kết hơn 12.684 ha, chiếm 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ dừa cho bà con nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã.
[Giá dừa khô tại tỉnh Trà Vinh liên tục tăng giá suốt 2 tháng]
Đáng chú ý, hai doanh xây dựng vùng dừa hữu cơ nhiều nhất là Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến dừa Lương Quới, với diện tích gần 5.000ha và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) gần 2.800ha.
Ông Nguyễn Bảo Trí- Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến dừa Lương Quới cho hay công ty dự kiến đến năm 2025 sẽ phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ lên 10.000ha và luôn đảm bảo giá cả thu mua cho người dân cao hơn thị trường từ 15-20%.
Ngoài ra, công ty cũng khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã có đủ năng lực, quy mô tiến hành tổ chức sơ chế thì công ty sẽ đảm bảo ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Nhứt, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú tham gia sản xuất dừa hữu cơ, bà con nông dân được công ty tập huấn kỹ thuật canh tác theo quy trình hữu cơ. Hơn nữa, giá cả tiêu thụ cũng cao hơn giá thị trường, đồng thời năng suất, sản lượng dừa cũng cao hơn so với dừa canh tác thông thường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức thông tin từ chỗ những mô hình nhỏ lẻ chỉ có vài trăm nông dân với diện tích khiêm tốn.
Đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 13.125 ha, với rất nhiều doanh nghiệp lớn tham gia; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 7.249ha.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 40 tổ hợp tác và 18 hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết dừa hữu cơ. Các vườn dừa sau khi đạt chứng nhận hữu cơ, được doanh nghiệp thu mua tăng thêm từ 10-15% so với giá dừa thường.
Doanh nghiệp còn hỗ trợ nông dân chi phí tập huấn kỹ thuật, chi phí thực hiện chứng nhận và chi phí chứng nhận hữu cơ.
Ông Huỳnh Quang Đức cho rằng qua sản xuất dừa hữu cơ, các doanh nghiệp tạo được chỗ đứng rất tốt trong thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu khó tính.
Đặc biệt, các sản phẩm dừa hữu cơ của tỉnh ngày càng phong phú và đạt chứng nhận hữu cơ như nước dừa đóng hộp, dầu dừa, cơm sừa nạo sấy…Đây là bước thuận lợi rất lớn trong việc tạo giá trị tăng thêm cho ngành dừa của tỉnh.
Để hoàn thiện và nâng cao hơn nữa giá trị của cây dừa, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030; trong đó, dừa được xác định là cây trồng chính.
Cụ thể, Bến Tre đặt mục tiêu đến 2025, phát triển 20.000ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và 100ha dừa uống nước, tập trung liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri./.