Bến Tre phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn giá trị di sản

Ngày 28/4, các đơn vị du lịch trong và ngoài tỉnh Bến Tre ký kết thỏa thuận liên kết đầu tư, phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Ngày 28/4, Hội thảo xúc tiến phát triển du lịch với chủ đề “Phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre” đã diễn ra tại Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú).

Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre và Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú phối hợp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của đại diện các viện, trường, các nhà khoa học, các công ty, doanh nghiệp đã nêu giải pháp về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Thạnh Phú nói riêng phù hợp với tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển du lịch tại địa phương. Trong đó có các giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; thu hút và đào tạo nguồn nhân lực du lịch; chuyển đổi số ngành du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa.

Các ý kiến có giá trị định hướng tính chiến lược về phát triển du lịch cho địa phương trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, phần việc trong việc ứng dụng chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch.

Các địa phương, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào quảng bá, truyền thông hình ảnh dịch vụ, sản phẩm, tích cực đầu tư xây dựng, thiết kế và hoàn chỉnh các trang mạng xã hội. Ngành Du lịch tỉnh Bến Tre cũng tập trung triển khai ứng dụng du lịch thông minh, tất cả các dịch vụ, tour, tuyến, hình ảnh, điểm đến, cơ sở lưu trú và hệ sinh thái du lịch đã được khai thác và phát huy hiệu quả.

Các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh bước đầu thực hiện việc mã hóa thông tin, từng bước ứng dụng thực tế ảo VRG 360 trong giới thiệu và thuyết minh..., góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tạo kênh thông tin kết nối giữa ba đối tượng: du khách, chính quyền và doanh nghiệp.

[Xây dựng các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của Xứ dừa Bến Tre]

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch bản địa tỉnh Bến Tre vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực để phát triển đồng bộ và bền vững hệ sinh thái du lịch thông minh trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ.

Các đơn vị du lịch trong và ngoài tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Bên cạnh đó, kiến thức, trình độ, kỹ năng của đội ngũ nhân lực du lịch về du lịch thông minh, công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ trên nền tảng số giữa các chủ thể liên quan vẫn chưa đạt theo yêu cầu...

Theo Tiến sỹ Phan Thị Ngàn (Khoa Du lịch và Truyền thông sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), du lịch thông minh được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Bởi du lịch thông minh sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh đặt trọng tâm phát triển tỉnh về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá.

Mục tiêu phát triển về hướng Đông là phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, trong đó kinh tế biển là trọng tâm gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực qua tuyến động lực ven biển, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng; hình thành khu kinh tế ven biển với những ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam gắn với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ thảo luận các vấn đề lý luận thực tiễn, từ đó mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại nhằm phát huy tiềm lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững hoạt động du lịch; gắn kết phát triển mạnh mẽ các sản phẩm thương hiệu bản địa, tiến tới xây dựng thương hiệu địa phương hướng đến một Bến Tre xanh và phát triển bền vững.

Đây cũng là dịp để huyện Thạnh Phú giới thiệu những điểm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương đến với du khách, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giữa các tổ chức kinh doanh du lịch, thương mại trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch biển Thạnh Phú để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Dịp này, các đơn vị du lịch trong và ngoài tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch, phối hợp thực hiện hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre./.

Du khách trong và ngoài nước thưởng thức các món bánh dân gian Nam Bộ tại khu du lịch Cồn Phụng, huyện Châu Thành (Bến Tre). (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục