Bến Tre: Nâng cấp tượng đài Đồng Khởi sang chất liệu đá granite

Việc tỉnh Bến Tre nâng cấp Tượng đài Đồng Khởi sang chất liệu đá nhằm tăng độ bền nhưng vẫn giữ nguyên gốc thiết kế là sự tôn vinh, kế thừa và phát huy giá trị công trình.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Sáng 26/4, tại Công viên Đồng Khởi, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre khánh thành công trình nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre.

Đây là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 48 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5).

Tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười khẳng định phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre đã trở thành bước ngoặt của cách mạng miền Nam, là nét son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Đồng Khởi Bến Tre đã đi vào lịch sử dân tộc như ngọn cờ đầu của cao trào cách mạng miền Nam. Từ chiếc nôi Đồng Khởi, "Đội quân tóc dài" ra đời, phát triển lan rộng toàn miền Nam, nâng phong trào đấu tranh của phụ nữ lên tầm cao mới và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.

[Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam]

Năm 1995, công trình Tượng đài Đồng Khởi được khánh thành. Hơn 27 năm qua, hình tượng người Mẹ xứ dừa hiên ngang trong bão đạn chiến tranh cũng như hình ảnh các nhân vật đại diện cho tinh thần đoàn kết của nhân dân Bến Tre đã đi vào tiềm thức và là niềm tự hào của những người con quê hương Đồng Khởi.

Tuy nhiên, với chất liệu bêtông, cốt thép, theo thời gian công trình đã hạn chế khả năng chống chịu tác động của tự nhiên. Việc chuyển sang chất liệu đá để tăng độ bền và đường nét sắc sảo nhưng vẫn giữ nguyên gốc thiết kế Tượng đài Đồng Khởi là việc làm cấp bách, cần thiết.

Việc làm này còn là sự vinh danh, kế thừa và phát huy thành tựu nổi bật của các bậc tiền bối, những chứng nhân của lịch sử, người có công lao to lớn trong sự nghiệp trao truyền các giá trị chân, thiện, mỹ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại lễ khánh thành. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Để tiếp tục phát huy giá trị công trình, bà Nguyễn Thị Bé Mười đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đơn vị chủ đầu tư công trình) phối hợp với đơn vị thi công tiếp tục theo dõi, thường xuyên bảo trì, duy tu để đảm bảo chất lượng, các yếu tố kéo dài tuổi thọ công trình; Ủy ban Nhân dân thành phố Bến Tre chỉnh trang, tôn tạo các hạng mục trong khuôn viên Công viên Đồng Khởi để tổng thể được hài hòa, gia tăng được tối đa giá trị mỹ thuật của các hạng mục đã được nâng cấp.

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, các trường học, quan tâm đến công tác tuyên truyền, đưa nội dung, hình ảnh giới thiệu về Tượng đài Đồng Khởi trong các hoạt động quảng bá về văn hóa, du lịch của tỉnh.

Toàn thể nhân dân cùng nhau giữ gìn vệ sinh, an ninh chung để khu vực Tượng đài Đồng khởi ngày càng sạch đẹp, là điểm đến thư giãn không chỉ của người địa phương mà còn là điểm dừng chân, thu hút khách tham quan khi đến Bến Tre.

Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết tượng "Mẹ Bến Tre" và cụm tượng "Nhân dân Bến Tre" mới được chuyển sang chất liệu đá granite, giữ nguyên thiết kế và kích thước ban đầu.

Hình tượng Mẹ Bến Tre của Đội quân tóc dài anh hùng được lấy làm tượng chính trong quần thể tượng đài Đồng Khởi cao 7,3m. Nhóm tượng 5 người cao 4,5m thể hiện nội dung các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Công trình được thi công trong 375 ngày từ ngày 17/1/2022 đến 19/4/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục