Bến Tre nâng cao chất lượng tiêu chí, mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Bến Tre phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thi công đường ống nước Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư Cù Lao Minh, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bến Tre đang tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng tiêu chí, hoàn thành các mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu..., góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Bến Tre phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; thành phố Bến Tre hoàn thành nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông thôn mới.

[Năm 2023, Bến Tre ưu tiên vốn cho các dự án, công trình có tiến độ tốt]

Các huyện gồm Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Châu Thành, Bình Đại đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; có ít nhất 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và mỗi huyện, thành phố có một xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, để thực hiện mục tiêu này, Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai Chương trình số 09-CTr/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, triển khai thực hiện các Bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Địa phương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, nhất là “4 tiêu chí cứng,” làm nền tảng vững chắc để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng thời, khuyến khích phát triển các nghề mới phù hợp với tiềm năng của từng địa phương theo chủ trương “Mỗi xã một sản phẩm,” phấn đấu trong năm 2023 phát triển ít nhất 45 sản phẩm OCOP mới và có sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tiếp tục tổ chức “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” đi vào thực chất.

Sơ chế dừa tươi (dừa uống nước) xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tập trung nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư về lợi ích và những ưu điểm của hình thức hỏa táng; quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tuyên truyền, vận động gia đình, họ hàng gương mẫu thực hiện.

Cùng đó, tỉnh nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách có liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng.

Bến Tre tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tập trung hỗ trợ các hợp tác xã tìm kiếm thị trường; tổ chức cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia vào các chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh thành lập mới các hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh; từng bước liên kết sáp nhập các hợp tác xã có quy mô nhỏ để hình thành các hợp tác xã có quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các loại hình kinh tế khá.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bến Tre đã tổ chức xét và công nhận 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là 80 xã, 24 xã đạt 15-18 tiêu chí, 38 xã đạt 10-14 tiêu chí và không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Trong 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới năm 2022 là 50 triệu đồng.

Sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, bộ mặt nông thôn mới tại Bến Tre từng bước được thay đổi, các thiết chế hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn ngày càng được hoàn thiện, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Chỉ riêng trong năm 2022, Bến Tre đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được khoảng 217,4km đường giao thông nông thôn; hệ thống giáo dục, y tế dự phòng, khám, chữa bệnh được củng cố, hoàn thiện cho người dân nông thôn.

Đến cuối năm 2022, Bến Tre có 99,8% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và 78,8% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia...

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thực hiện đã có tác động tích cực đến quá trình sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với chuỗi giá trị.

Đến nay, Bến Tre đã tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP với 158 sản phẩm từ 3 sao trở lên; trong đó, có 78 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm đạt 4 sao với 61 chủ thể tham gia.

Các sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương tham gia đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục