Bến Tre: Khánh thành Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Khu lưu niệm giúp du khách hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong bối cảnh đất nước những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Chiều 15/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức khánh thành Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Di tích Quốc gia chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam.

Khu di tích bao gồm đền thờ, nhà trưng bày, các hạng mục hồ nước, cổng tường rào, sân đường nội bộ, bãi xe, hệ thống điện, nước, chống sét, báo cháy, chiếu sáng… trên tổng diện tích hơn 9.000m2, với tổng mức đầu tư hơn 13,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 10 tỷ đồng, phần còn lại vận động xã hội hóa.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết việc hoàn thành xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại khuôn viên Khu di tích Quốc gia chùa Tuyên Linh có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh; đồng thời thể hiện tấm lòng của nhân dân Bến Tre đối với thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Khu lưu niệm giúp du khách hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong bối cảnh đất nước những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; nhắc nhở và truyền lại cho các thế hệ sau sự hy sinh cao cả, âm thầm của cụ Phó bảng - người tạo nền tảng hoạt động yêu nước cho Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu của dân tộc.

[Khắc họa những hình ảnh về cuộc đời cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc]

Cùng ngày, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học "Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre." 

Phát biểu tại hội thảo, bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng: Hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có những ảnh hưởng nhất định đến phong trào yêu nước và hoạt động chấn hưng Phật giáo trên địa bàn Bến Tre.

Bên cạnh đó, một lớp thế hệ thanh niên từng được tiếp xúc, được cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trực tiếp truyền bá chủ nghĩa yêu nước và trở thành những lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bến Tre.

Các bậc chư tôn đức, tín đồ Phật giáo Bến Tre đã tình nguyện theo cách mạng, đứng vào hàng ngũ của Đảng và tích cực hoạt động để đền ơn quốc gia xã hội, một trong tứ trọng ân của đạo.

Toàn cảnh hội thảo Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Hội thảo còn có ý nghĩa "Ôn cố để tri tân," bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa quốc gia chùa Tuyên Linh gắn với Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc. Từ thành quả nổi bật mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đóng góp cho Đảng bộ, nhân dân Bến Tre, đúc kết thành bài học lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ thanh niên, học sinh, người dân tại địa phương.

Theo ông Cao Văn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, hội thảo đã nhận được 36 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nhà Phật học, đặc biệt là những nhà nghiên cứu chuyên sâu, từng viết sách biên khảo về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, như Thạc sỹ Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương và Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương… 

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời hoạt động, nhất là giai đoạn về sau, cụ gắn liền với nhiều địa phương ở Nam Bộ như: Bình Dương, Sài Gòn, Bến Tre, Đồng Tháp…

Cụ Phó bảng khi đặt chân đến Bến Tre đã để lại dấu ấn tại chùa Tuyên Linh (nay thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam).

Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, cuộc đời, sự nghiệp và hành trang của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là một nhà nho khoa bảng, một nhà giáo, một thầy thuốc có nhân cách, thương người, một nhà Phật học uyên thâm và là một nhà hoạt động yêu nước.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đi nhiều nơi, trong đó có tỉnh Bến Tre, để gặp giới sỹ phu, các nhà yêu nước đương thời và thế hệ trẻ để truyền bá tư tưởng yêu nước, chống thực dân, đồng thời giới thiệu họ cho các tổ chức yêu nước mới, trong đó có Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Theo các nhà nghiên cứu, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, dùng đạo Phật để vận động cứu nước là đắc sách nhất. Với trí tuệ uyên bác về triết lý Phật giáo và mối quan hệ giao hảo với Hòa thượng Khánh Hòa, cụ Nguyễn Sinh Sắc trở thành cố vấn cho Hòa thượng trong công cuộc gây dựng tổ chức Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, qua đó kết nối nhân sĩ, quy tụ nhân tâm cùng nhau thực hiện những hoạt động yêu nước chống Pháp. 

Bến Tre là một trong những trung tâm của phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX. Lúc ở chùa Tuyên Linh, cụ Phó bảng sinh sống, dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho dân nghèo.

Trong hoạt động của mình, cụ Phó bảng đã khéo léo kêu gọi lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước, thương dân trong quần chúng, chư tăng và đồng bào Phật tử. Dưới ảnh hưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hòa thượng Khánh Hòa, nhiều thế hệ tăng ni, Phật tử Bến Tre đã tích cực tham gia cách mạng.

Các tham luận đều thống nhất cần tiếp tục quan tâm, phối hợp giáo dục truyền thống yêu nước với truyền thống tốt đời, đẹp đạo của các tôn giáo yêu nước, trong đó có đạo Phật.

Cấp ủy địa phương có hướng bảo tồn, phát huy Di tích chùa Tuyên Linh và Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc, xem đây là một trong những điểm nhấn phát triển du lịch Mỏ Cày Nam nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục