Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II cho biết, trước tình hình hàu chết tại Bến Tre, ngày 5 và 9/3, Chi Cục Thú y tỉnh Bến tre đã gửi mẫu hàu và bùn để phân tích.
Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ kết luận mẫu hàu thu được có mật độ Vibrio, vi khuẩn hiếu khí cao cả trong nước và bùn.
Điều này có thể do hàm lượng chất dinh dưỡng cao trong môi trường khi hàu đã chết nhiều làm ô nhiễm nước tạo điều kiện cho vi khuẩn tăng sinh về số lượng.
Theo nhận định ban đầu của đoàn khảo sát và địa phương thì hàu chết do độ mặn tăng cao, kéo dài vượt ngưỡng chịu đựng của hàu nuôi (>34‰).
Kết quả quan trắc độ mặn ngày 22/2 và 7/3 cho thấy độ mặn dao động từ 33-34‰; ghi nhận của địa phương trước thời điểm hàu chết, độ mặn 25-26‰ nhưng sau đó tăng đột ngột lên 37‰.
Căn cứ kết quả phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm và các thông tin trên cho thấy hàu chết do độ mặn cao cộng với nắng nóng kéo dài làm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao là yếu tố gây sốc làm hàu yếu, giảm sức đề kháng, dễ bị các tác nhân gây bệnh cơ hội bội nhiễm dẫn đến chết hàng loạt.
Khoảng đầu tháng Ba, hàu của các hộ dân trên địa bàn huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre bị chết hàng loạt, khiến nhiều hộ nuôi mất trắng.
Tỷ lệ hàu thiệt hại trên địa bàn huyện Bình Đại khoảng 80-90% với sản lượng thiệt hại trên 3.000 tấn, ước 50 tỷ đồng; trong đó, địa bàn chịu thiệt hại nhiều nhất là xã Thừa Đức với hơn 2.200 tấn hàu./.