Bên mua điện phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự

Để ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 21/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.

Nghị định gồm 51 Điều quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; quản lý nhu cầu điện; mua bán điện; giá điện; giấy phép hoạt động điện lực; điều tiết hoạt động điện lực; kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Trong đó, về điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt Nghị định nêu rõ bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ một năm trở lên; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực.

Bên bán điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện. Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn bảy ngày làm việc khi có đủ các điều kiện quy định trên. Trường hợp chưa có lưới điện phân phối hoặc lưới điện phân phối bị quá tải có xác nhận của cơ quan Điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền, bên bán điện phải trả lời cho bên mua điện trong thời hạn 5 ngày làm việc trong đó nêu rõ thời hạn dự kiến cấp điện được.

Nghị định cũng quy định cụ thể việc bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện. Theo đó, bên mua điện là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1 triệu kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.

Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận, nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng. Biện pháp, hình thức, hiệu lực bảo đảm, quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm do các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán điện; khuyến khích thực hiện biện pháp bảo lãnh qua ngân hàng.

Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện trong trường hợp bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện không áp dụng đối với các hợp đồng mua bán điện đã có hiệu lực trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, trừ các hợp đồng mua bán điện mà hai bên đã có thỏa thuận về bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2013. Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực hết hiệu lực thi hành từ ngày Nghị định này có hiệu lực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục