Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến việc thu hồi, đền bù đất theo định giá thị trường.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Đồng tình với nhiều điều khoản đã được chỉnh lý, tiếp thu trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét dự án luật đã có quy định rõ ràng về quyền lợi của người dân bị thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lý do quốc phòng an ninh, kinh tế, xã hội; định giá đất bị thu hồi sát với giá thị trường.
Bên cạnh đó, dự án luật đã có quy định về việc tổ chức lại cuộc sống của người dân nếu bị thu hồi đất, đây là vấn đề hết sức quan trọng.
Tổ chức lại cuộc sống không chỉ đơn thuần là có một chỗ ở mới mà phải bảo đảm cuộc sống người dân về giáo dục, y tế, cộng đồng dân cư...
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng dự án luật đã tiếp thu tương đối đầy đủ những đề xuất kiến nghị của các tỉnh thành phố, nhất là các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu phân tích đi đôi với quá trình đô thị hóa là diện thu hồi đất của người dân lớn, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Vấn đề này đòi hỏi khung pháp lý phải chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn để giải quyết được những vấn đề bất cập trong thực tiễn. Bởi nếu không giải quyết được bất cập đó sẽ nảy sinh vấn đề: một bộ phận không nhỏ dân cư phải chịu thiệt thòi, hy sinh cho sự phát triển. Đây là một sự mâu thuẫn mà các cơ quan chức năng phải nghiêm túc xem xét, giải quyết.
Bên cạnh đó, dự án luật đã có sự điều chỉnh về cơ chế đền bù giống nhau đối với hai lô đất liền kề, có cùng một diện tích đất, cùng điều kiện sinh lời như nhau thì giá như nhau. Điều này thể hiện sự công bằng, minh bạch.
Dự án Luật Đất đai lần này cũng đã có tiếp thu, sửa đổi rất đáng kể để phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra, khắc phục được những vướng mắc trong quản lý đất đai theo Luật hiện hành.
Đối với quy hoạch sử dụng đất, nếu như trước đây, quy hoạch là một đặc quyền, đặc lợi của những người có thẩm quyền thì dự thảo Luật đã quy định việc này phải công khai, minh bạch, rõ ràng và người dân được trực tiếp tham gia ý kiến ngay từ đầu. Điều đó sẽ bảo đảm sự công bằng xã hội, tránh tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Liên quan đến thu hồi đất, theo đại biểu, nội dung chỉnh sửa lần này đã có sự tương thích giữa nguyên tắc chung về thu hồi đất quy định tại điều 54 của Hiến pháp và được cụ thế hóa trong điều 61, 62, 63 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, dự án Luật cũng quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền khi thu hồi đất phải bảo đảm minh bạch về kế hoạch, phải có nơi tái định cư cho người dân.
Trong trường hợp tái định cư mà số đền bù không đủ để mua nhà mới, Nhà nước có trách nhiệm bù đắp cho người dân, tạo điều kiện bằng hoặc tốt hơn không chỉ về tiền mà còn nhiều vấn đề khác có liên quan.
Cần có sự giám sát để bảo đảm tính chính xác trong quá trình định giá đất
Quan tâm đến quy định về việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Ban soạn thảo cần tính toán kỹ về quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội, bởi "kinh tế xã hội" là một phạm trù mênh mông.
Đại biểu Quyết Tâm chia sẻ: "Những người thực hiện chính sách có cái tâm trong sáng, biết nghĩ đến quyền lợi của người dân đi đôi với lợi ích phát triển của đất nước sẽ không có vấn đề gì để nói. Nhưng nếu họ muốn lợi dụng nó thì cũng có đường để lợi dụng. Chính vì thế việc đó cần tính toán, ghi vào điều luật để làm sao nó có tính thực tiễn nhất chứ không phải chỉ là vấn dề lý thuyết."
Về quy định thu hồi đất và đền bù, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu vấn đề Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, có quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm được phê duyệt.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định Nhà nước thu hồi đất theo kế hoạch hàng năm nhưng tại Điều 73 lại quy định về thỏa thuận về đấu giá và thu hồi đất đối với những doanh nghiệp và các dự án về sử dụng đất.
Như vậy là cùng một lúc có hai hình thức thu hồi và đền bù. Đây là một hạn chế, dễ xảy ra khiếu kiện, khiếu nại bởi lẽ trên cùng một mảnh đất, cùng một vị trí, có các yếu tố về điều kiện tự nhiêu giống nhau nhưng lại có hai hình thức đền bù nên rất dễ dẫn đến việc người dân khiếu kiện, thắc mắc.
Bên cạnh đó, về hình thức đền bù đất, tại Điều 79 và Điều 74 của dự án Luật quy định chưa thống nhất. Điều 74 có quy định hình thức đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, một là đền bù bằng đất, thứ hai bằng tiền mặt; trong khi đó ở điều 79 lại có quy định trong trường hợp trên cùng một địa bàn ở xã, phường, thị trấn, nếu người bị thu hồi đất mà có đất, nhà ở sẽ bồi thường bằng tiền, điều này là không công bằng.
Người dân có đất bị thu hồi, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền lợi như những người khác, trong khi có người được đền bù bằng đất hoặc bằng tiền, có người lại chỉ được bồi thường bằng tiền.
Bên cạnh đó, khoản 1 của Điều 79 có quy định những trường hợp chưa có nhà ở, đất ở sẽ được bồi thường bằng đất, không có nhu cầu về đất sẽ được bồi thường bằng tiền.
Đây cũng là điểm khó khăn khi thực hiện bởi nếu ở xã, phường thị trấn, ví dụ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nếu thu hồi đất ở phường, chưa chắc đã có đất để bồi thường cho người bị thu hồi đất.
Đối với quy định về việc đền bù thu hồi đất theo định giá thị trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ cần có hướng dẫn về việc xác định giá thu hồi; người định giá, người làm nhiệm vụ giám sát để bảo đảm tính chính xác trong quá trình định giá.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đặt vấn đề dự án luật cần quy định rõ người xác định giá và việc xác định giá đất phù hợp với thị trường bởi thị trường đất đai không như những thị trường khác. Việc quy định giá đất đền bù cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người sử dụng đất và nhà đầu tư./.