“Bến đỗ” nào cho doanh nghiệp Đài Loan trong bối cảnh rối ren?

Theo khảo sát do Liên đoàn Công nghiệp-Thương mại Trung Quốc thực hiện năm 2021, có 87% doanh nhân Đài Loan ở Trung Quốc Đại lục cho biết sẽ không chuyển ra khỏi Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
“Bến đỗ” nào cho doanh nghiệp Đài Loan trong bối cảnh rối ren? ảnh 1Một doanh nghiệp sản xuất xe đạp của Đài Loan, Trung Quốc. (Nguồn: taiwan-panorama.com)

Tại Đài Loan (Trung Quốc), bên cạnh việc đặt sản xuất tại Trung Quốc Đại lục, các công ty có xu hướng xây dựng một sở sở sản xuất và chuỗi cung ứng ở các nước khác, thường được gọi “Trung Quốc+1.”

Mục đích của “Trung Quốc+1” đa dạng hóa để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, từ đó giảm mạnh rủi ro thương mại đối với các chủ sở hữu thương hiệu.

Tại sao lại là “Trung Quốc+1”?

Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao Đài Loan lại lựa chọn phương án “Trung Quốc+1” chứ không chuyển hướng hoàn toàn sang các thị trường khác?

Nguyên nhân là bởi vì các doanh nhân Đài Loan đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc Đại lục trong nhiều năm qua, cho dù là đất đai, nhà xưởng hay thậm chí công nhân lành nghề và nhân viên quản lý cơ sơ đều rất khó để chuyển hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc đại lục. Hơn nữa, những tổn thất chi phí này là rất lớn.

Theo kết quả khảo sát do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ACFIC) thực hiện năm 2021, có đến 87% doanh nhân Đài Loan ở Trung Quốc Đại lục cho biết sẽ không chuyển ra khỏi Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.

[Trung Quốc đại lục tạm dừng nhập khẩu hoa quả và cá từ Đài Loan]

Ngoài ra, đối đầu Mỹ-Trung Quốc và những hệ lụy đi kèm cũng khiến các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu yêu cầu các doanh nhân đang hoạt động ở Đài Loan tìm kiếm một cơ sở sản xuất khác bên cạnh vùng lãnh thổ này. Đây là nguồn gốc của “Đài Loan+1.”

Những lựa chọn của doanh nghiệp Đài Loan

Vậy, “Trung Quốc+1” và “Đài Loan+1,” rốt cuộc các doanh nghiệp Đài Loan phải lựa chọn như thế nào?

Phương án đầu tiên là quay về Đài Loan. Do chính sách giảm thuế, rất nhiều vốn đầu tư Đài Loan đã quay trở lại hòn đảo này trong ba năm qua. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp lớn của Đài Loan, tình trạng thiếu lao động, thiếu điện đều là những vấn đề chí mạng, nên cuối cùng những dòng vốn này lại phần lớn chảy vào thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, gây nên những rắc rối lớn hơn cho nền kinh tế Đài Loan.

Phương án thứ hai là Ấn Độ. Tuy nhiên, dù có thị trường khổng lồ song cách tư duy của người Ấn Độ có sự khác biệt rất lớn với Đài Loan, hơn nữa phần lớn cơ sở hạ tầng của Ấn Độ lạc hậu, đối với những sản phẩm cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, tốc độ và chất lượng đều là yếu tố quan trọng.

Phương án thứ ba là Thái Lan. Nhiều năm qua, các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc đã sớm xây dựng Thái Lan thành căn cứ sản xuất ôtô và chuỗi cung ứng lớn nhất châu Á. Bây giờ đã quá muộn cho các doanh nhân Đài Loan.

Phương án thứ tư là Australia. Mặc dù thị trường Australia không lớn, nhưng ở nước này đang có hàng triệu người Hoa sinh sống. Hơn nữa, Australia giàu nguyên liệu thô như quặng sắt, than đá, len…, lại cách xa Trung Quốc Đại lục và có quan hệ tốt với Mỹ và các nước châu Âu, nên đây có thể là lựa chọn tuyệt vời cho các doanh nghiệp Đài Loan.

Phương án thứ năm Ireland. Vào những năm 1990, Ireland từng là quốc gia thu hút đầu tư tích cực nhất từ Mỹ và châu Âu, dựa vào mức thuế thấp (thuế thu nhập doanh nghiệp 10%) để thu hút các công ty quốc tế lớn bao gồm Microsoft và IBM… đến đầu tư. Ireland là quốc gia chào đón người nhập cư nước ngoài nhiều nhất trong số các nước Liên minh châu Âu (EU), do đó ở đây rất dễ để tìm kiếm tài năng ưu tú, là bàn đạp tốt nhất để các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập thị trường châu Âu.

“Bến đỗ” nào cho doanh nghiệp Đài Loan trong bối cảnh rối ren? ảnh 2Bảng hiệu cho Tập đoàn Công nghệ Foxconn. (Nguồn: forbes.com)

Phương án thứ sáu là Cộng hòa Séc. Nước này thuộc hệ thống phân công lao động thời kỳ Liên Xô cũ, chịu trách nhiệm sản xuất ôtô bao gồm xe tải và xe tăng, do đó ngành công gang thép và ôtô của nước này rất hùng hậu, gần đây ngành công nghệ sinh học và phần mềm cũng phát triển rất mạnh. Ngoài ra, Cộng hòa Séc nằm ở trung tâm châu Âu, nên giao thông vận chuyển cũng là một ưu thế của nước này.

Cuối cùng là Mỹ. Mặc dù công nghệ của Mỹ phát triển, thị trường khổng lồ, nhưng lại cạnh tranh khốc liệt, mức lương đắt đỏ. Trong số các doanh nghiệp lớn của Đài Loan, tập đoàn nhựa Formosa đầu tư vào ngành công nghiệp hóa dầu ở Texas, quy mô lớn và thu được lợi nhuận cao, tuy nhiên ngành công nghệ lại không như vậy, mặc dù tập đoàn bán dẫn TSMC đầu tư xây dựng hai nhà máy chip ở bang Arizona nhưng nhà sáng lập TSMC Trương Trung Mưu đã phải thẳng thắn thừa nhận rằng tinh thần chuyên nghiệp của các kỹ sư Mỹ là điều không dám tâng bốc.

Tập đoàn Foxconn có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tấm panel quy mô lớn ở bang Wisconsin, nhưng sau đó do vị thống đốc đã đưa ra cam kết ưu đãi lớn ban đầu không tái đắc cử nên kế hoạch đầu tư trì hoãn cho đến nay, và nhiều khả năng không thể triển khai thực hiện. Do đó, nếu là nhà cung cứng của TSMC hoặc Foxconn, rủi ro của doanh nghiệp Đài Loan khi đến Mỹ đầu tư rất nhỏ, nhưng nếu là doanh nghiệp độc lập thì cần phải cân nhắc cẩn thận.

Dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu đã gần ba năm, biến những công việc không thể làm tại nhà trước đây trở thành mô hình được chấp nhận rộng rãi, trong tương lai có thể ngoại trừ một số ít nhân viên, vị trí địa lý không còn là vấn đề cần cân nhắc.

Thời gian tới, các công ty tầm cỡ quốc tế nhiều khả năng có thể tuyển dụng những tài năng ưu tú từ khắp nơi trên thế giới, làm việc theo chế độ ba ca và trở thành một công ty không lúc nào nghỉ ngơi thực sự.

Công nghệ là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động, trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, khoa học dữ liệu… sẽ hỗ trợ đắc lực đối với tình trạng thiếu hụt tài năng.

Khó khăn buộc phải thay đổi, thay đổi để hướng tới thịnh vượng, một cơn bão dịch bệnh và khủng hoảng tài chính có thể mở ra cơ hội mới để doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) chuyển đổi tư duy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục