Theo hãng thông tấn nhà nước Belta, ngày 31/12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo nước này sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp, song ông chưa tiết lộ thời điểm tiến hành cuộc trưng cầu.
Từ cuối tháng 8, ông Lukashenko đã bắt đầu thảo luận kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và bác bỏ lời kêu gọi của phe đối lập về khôi phục hiến pháp cũ.
Ông Lukashenko được bầu làm tổng thống từ năm 1994. Ông đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về sử đổi hiến pháp vào năm 1996, trao cho tổng thống quyền hạn lớn hơn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán, gồm cả Chánh án Tòa án Hiến pháp.
Thêm một cuộc trưng cầu khác về sửa đổi hiến pháp được tổ chức vào năm 2004.
[Ngoại trưởng Nga kêu gọi Belarus thúc đẩy cải cách hiến pháp]
Ông Lukashenko nói rằng việc quay trở lại hiến pháp năm 1994 theo ý muốn của phe đối lập sẽ không đưa đất nước tiến lên.
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào ngày 9/8.
Ông Lukashenko đã tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Nữ chính khách này đã không công nhận kết quả bầu cử.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra sau đó tại một số thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát.
Ngày 23/9, Tổng thống Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới, song Liên minh châu Âu (EU) từ chối công nhận ông là tổng thống hợp pháp của Belarus.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus, qua đó mở đường cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với khoảng 40 thành viên thuộc chính quyền của Tổng thống Lukashenko.
Đáp lại, Chính phủ Belarus cho biết sẽ ban bố các biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào EU, đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu EU mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với nước này./.