Theo Đặc phái viên TTXVN, chiều 27/6 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus, tại thủ đô Minsk, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko đã tới dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam-Belarus.
Tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Belarus tổ chức, thu hút gần 500 doanh nghiệp hai nước tham dự.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bày tỏ ngưỡng mộ và đánh giá cao sự phát triển năng động của Việt Nam, nhất là ở khía cạnh duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
Trong khi đó, Belarus nằm ở nhóm đầu về nhiều chỉ số phát triển kinh tế-xã hội trong danh sách các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Tổng thống Alexander Lukashenko cũng nhấn mạnh, khả năng bổ trợ cho nhau giữa hai nền kinh tế đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong tương lai.
Về lĩnh vực công nghiệp, Belarus đang hướng chuyển từ thương mại đơn thuần sang hợp tác sản xuất, bằng việc đầu tư công nghệ, mở liên doanh, các trung tâm bảo dưỡng, đào tạo nhân lực tại Việt Nam.
Minh chứng cho ý tưởng này, sắp tới Belarus sẽ mở liên doanh sản xuất ôtô Minsk tại Việt Nam, tiến tới hợp tác sản xuất máy kéo Minsk, máy xúc công suất lớn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Belarus trong lĩnh vực công nghệ cao đang lên kế hoạch mở nhà máy tại các khu công nghiệp của Việt Nam để sản xuất thiết bị phụ trợ cho các sản phẩm trong nước.
Tổng thống Alexander Lukashenko cũng khẳng định, Belarus nhận thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ xây dựng, vì vậy các doanh nghiệp của Belarus sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, các công trình ngầm.
Cùng với đó là cơ hội hợp tác về liên doanh sản xuất các sản phẩm sữa khô của Belarus tại Việt Nam, chế biến hải sản, chè, cà phê...; ứng dụng công nghệ thu hồi khí từ dầu mỏ, khai thác mỏ cũ; phát triển công nghệ thông tin, truyền thông; hợp tác về du lịch...
[Việt Nam-Belarus thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực]
Tổng thống Alexander Lukashenko nhấn mạnh, Belarus đang đặt mục tiêu lấy thị trường Việt Nam làm cầu nối củng cố vị trí tại khu vực Đông Nam Á, từ đó đưa các sản phẩm, dịch vụ vào thị trường các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thị trường Belarus là cửa ngõ để thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu. Chính phủ Belarus sẽ ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Belarus.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động này, Tổng thống đề nghị Phòng thương mại và Công nghiệp hai nước sớm thành lập Hội đồng kinh doanh chung Belarus-Việt Nam. Tổng thống Alexander Lukashenko mời gọi: “Các doanh nghiệp Việt Nam hãy đến, hãy sản xuất và bán sản phẩm tại Belarus.”
Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, năm 2017 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Belarus khi hai nước kỷ niệm chặng đường hơn 1/4 thế kỷ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận và xây dựng quan hệ hợp tác với nước Cộng hòa Belarus độc lập.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam và Belarus luôn được coi là hình mẫu thành công trong quá trình đổi mới, cải cách dựa trên sự ổn định về chính trị.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng và ấn tượng được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước Belarus, một trong những quốc gia phát triển trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập.
Giới thiệu với các doanh nghiệp Belarus về tiềm năng của Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, sau gần 30 năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.100 USD.
Việt Nam đã thu hút được hơn 300 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài từ 119 đối tác, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới và từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp.
Không chỉ thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đã đầu tư sang 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ USD trong những lĩnh vực có thế mạnh, như khai khoáng, viễn thông, nông nghiệp-lâm nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính-ngân hàng, dịch vụ… với những đối tác chính là những quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, Việt Nam là nền kinh tế mở với quy mô thương mại lớn gấp hơn 1,6 lần GDP. Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 với GDP bình quân 6,5-7%/năm, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, ổn định, xanh và sạch với ba động lực chính là xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và mở rộng đầu tư.
Chính vì vậy, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2016, xóa bỏ 90% thuế quan trong thương mại giữa hai nước, đang mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại.
Ngoài ra, với tính bổ sung, bổ trợ cao trong cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam và Belarus có thể tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, cùng hợp tác sản xuất, xuất khẩu hơn là đơn thuần xây dựng quan hệ thương mại hai chiều.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Belarus là đối tác ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam tại khu vực kinh tế Á-Âu, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà còn cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố, làm phong phú hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Belarus.
Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh và mong muốn tiếp nhận thêm các dòng vốn đầu tư từ Belarus, nhất là những lĩnh vực Belarus có thế mạnh như sản xuất ôtô và linh kiện ôtô, cơ khí, thiết bị công nghiệp...
Việc hợp tác, liên doanh sản xuất các sản phẩm với tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước ASEAN. Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư tại Belarus trong những lĩnh vực như công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp...
Đề cập đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 1 tỷ USD theo hướng cân bằng trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, các sản phẩm nông-thủy-hải sản đã qua chế biến, điện tử, hàng tiêu dùng có chất lượng của Việt Nam sẽ làm phong phú hơn sự lựa chọn của 10 triệu khách hàng tiềm năng tại Belarus.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm công nghiệp, cơ khí, năng lượng, khoáng sản của Belarus tiếp cận thị trường Việt Nam với sức mua ngày càng tăng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Belarus hợp tác, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam”./.