Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết đến ngày 11/8, bệnh nhi Nguyễn Đức A. (6 tuổi, trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị ngưng tim, ngưng thở do hóc viên mọc trong bát bún khi ăn sáng, đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn dần ổn định.
Trước đó, sáng 10/8, bệnh nhi Nguyễn Đức A. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mạch, huyết áp bằng 0, đồng tử giãn, tim ngừng đập…
Qua kiểm tra, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai xác định bệnh nhi bị hóc dị vật gây chèn ép đường thở và được chỉ định cấp cứu, cung cấp oxy và gắp dị vật ra khỏi đường thở khẩn cấp.
Các bác sỹ nhanh chóng luồn ống nội khí quản vòng qua mép dị vật vào phổi để cung cấp khí ôxy cho não, tiến hành nâng huyết áp, nâng tim.
Khi bệnh nhi ổn định hơn, các bác sỹ mới tiến hành gắp dị vật (viên mọc to bằng ngón tay cái) khỏi ống thở, ổn định tổn thương phổi cho bệnh nhi.
Theo bác sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời điểm nhập viện, bệnh nhi thiếu oxy não từ 20-30 phút, phổi bị tổn thương nặng, máu trào ra rất nhiều, dị vật lớn chiếm hoàn toàn đường thở khiến trẻ không thở được, từ đó làm cho diễn tiến bệnh xấu nhanh hơn. Nếu nhập viện muộn hơn chút nữa nguy cơ tử vong là rất cao.
Đây là một trong 2 ca hóc dị vật nặng nhất mà bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị từ trước đến nay.
Người nhà bệnh nhi cho biết, bé bị hóc dị vật trong lúc đang ăn sáng, do ăn phải miếng ớt cay khiến bé bị sặc, dị vật theo đó chạy tuột vào đường thở. Người nhà đã nỗ lực sơ cấp cứu tại chỗ nhưng không hiệu quả.
[Cứu trẻ bị hóc dị vật: Người lớn chỉ có 4 phút vàng ngọc!]
Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân, khi cho trẻ ăn nên chú ý, đặc biệt khi ăn những thức ăn tròn, trơn, kích thước lớn, nhất là không được đùa giỡn trong lúc ăn nhằm tránh cho trẻ bị hóc dị vật.
Trường hợp không may xảy ra tình trạng trẻ bị hóc dị vật, nên có những biện pháp sơ cấp cứu nhanh chóng cung cấp oxy cho não bằng những biện pháp như hà hơi thổi ngạt, ấn bụng… và nhanh chóng đưa trẻ tới những cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tránh tình trạng trẻ bị thiếu oxy quá lâu.
Hiện bệnh nhi đã tạm thời qua cơn nguy kịch, đồng tử co lại cho thấy có dấu hiệu hồi phục, giải quyết được một phần thiếu ôxy não.
Tuy nhiên, do bệnh nhi bị thiếu ôxy não trong thời gian quá dài nên việc hồi phục sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể có di chứng về sau./.