Bế tắc trong đàm phán thành lập chính phủ đoàn kết ở Nam Sudan

Các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar đã kết thúc mà không thể đi đến thống nhất về vấn đề địa giới và cách phân chia bang.
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir (giữa) và thủ lĩnh phe đối lập chính Riek Machar (phải) tại vòng đàm phán hòa bình ở Juba, Nam Sudan, ngày 16/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/1, đại diện trung gian hòa giải Nam Sudan cho biết vòng đàm phán mới nhất giữa Tổng thống nước này Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar để thành lập chính phủ đoàn kết đã không đạt kết quả mong đợi, trong đó vấn đề địa giới hành chính là vướng mắc lớn nhất.

Nội chiến bùng nổ tại Nam Sudan vào tháng 12/2013, chỉ 2 năm sau khi quốc gia này giành độc lập, do mâu thuẫn giữa hai ông Kiir và ông Machar, châm ngòi cho các cuộc xung đột sắc tộc và bạo lực đẫm máu khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng.

Năm 2018, hai bên ký kết thỏa thuận hòa bình nhưng cả hai tới nay vẫn chưa thể đạt thỏa thuận thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực sau hai lần gia hạn đàm phán.

Kể từ tháng 11 vừa qua, hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán, với thời hạn thành lập chính phủ đoàn kết trong vòng 100 ngày.

[Chính phủ và phe nổi dậy tại Nam Sudan ký kết thỏa thuận hòa bình]

Phó Thủ tướng Nam Phi David Mabuza cho biết các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không thể đi đến thống nhất về vấn đề địa giới và cách phân chia bang.

Thông báo của Văn phòng Phó Tổng thống Nam Phi nêu rõ số lượng bang và địa giới giữa các bang là điểm bế tắc chính trong đàm phán thành lập chính phủ chuyển tiếp đoàn kết dân tộc.

Vì những vấn đề này chưa được tháo gỡ nên các bên đã thống nhất tiếp tục tham vấn thêm trong 7 ngày về một đề xuất hòa giải nhằm tháo gỡ bế tắc.

Khi giành độc lập năm 2011, Nam Sudan được chia thành 10 bang nhưng tới nay quốc gia này được chia nhỏ thành 32 bang.

Thủ lĩnh phe đối lập Eriek Machar yêu cầu trở lại trạng thái 10 bang như ban đầu hoặc 21 bang như trước khi quốc gia giành độc lập.

Phó Thủ tướng Nam Phi Mabuza cho biết các nhà đàm phán tin tưởng ông Kiir và Machar sẽ đạt thỏa thuận theo hạn chót 22/2 tới để thành lập liên minh, một trụ cột chính trong thỏa thuận hòa bình tháng 9/2018 vốn giúp mang lại trạng thái đình chiến tại quốc gia này sau nhiều năm xung đột.

Một vấn đề nan giải khác của quá trình đàm phán là an ninh, như nhiệm vụ huấn luyện và đoàn kết binh lính chính phủ với phiến quân, để hình thành quân đội chung và đảm bảo sự an toàn của Tổng thống Machar tại thủ đô Juba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục