Bế mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bế mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 1/6, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau khi thảo luận, xem xét một số nội dung.

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

[Phiên họp thứ 45 đợt 2 của UBTVQH dự kiến diễn ra trong ngày 1/6]

Cho ý kiến lần 2 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án chuyển đổi 3 tuyến từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công, gồm đoạn Phan Thiết-Vĩnh Hảo do không thu hút được nhà đầu tư, tuyến dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 nối vào thành phố Hà Nội và dự án Phan Thiết-Dầu Giây nối vào Thành phố Hồ Chí Minh do có lưu lượng xe lớn và có ý nghĩa quan trọng.

Đối với 5 tuyến còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục đấu thầu để chọn các nhà đầu tư, thực hiện theo luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư khi được thông qua.

Về thí điểm hợp nhất 3 văn phòng

Tiếp theo, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Theo báo cáo, trong tổng số 12 địa phương tổ chức triển khai thì có 11 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố.

Thực tế cho thấy ưu điểm của phương án thí điểm hợp nhất 3 văn phòng là giảm tối đa đầu mối tổ chức văn phòng, số lượng tổ chức bên trong của văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý.

Bế mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của văn phòng được tập trung một đầu mối quản lý. Ưu điểm của phương án thí điểm hợp nhất hai văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh là vừa giảm đầu mối tổ chức văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý, tập trung một đầu mối tham mưu, giúp việc và phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đồng thời, bảo đảm thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện quản lý nhà nước của các cơ quan chấp hành tại thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn là Văn phòng chung thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau với 3 chủ thể cấp trên trực tiếp chỉ đạo nên khó bảo đảm tính khách quan trong hoạt động tham mưu đối với công tác quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân, công tác giám sát của Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Việc hợp nhất 3 văn phòng chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Sau khi hợp nhất, Chánh Văn phòng phải đảm nhận khối lượng lớn công việc nên công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai công việc gặp khó khăn; công tác phối hợp giữa các phòng chuyên môn và bố trí nhân lực trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao còn nhiều bất cập...

Chính phủ kiến nghị nên giữ mô hình tổ chức Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và chỉ thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thành bộ máy tham mưu, giúp việc chung (Văn phòng chung) của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đây là Nghị quyết thí điểm về việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp 3 văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng tham mưu phục vụ chung cho ba cơ quan.

Sau một năm thực hiện thí điểm, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tổng kết, đánh giá, thấy rằng thực hiện thí điểm chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu mong muốn đặt ra, chưa đạt hiệu quả.

Bế mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 3Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ý kiến của đa số địa phương thực hiện thí điểm và ý kiến Chính phủ chỉ đề nghị sáp nhập Văn phòng của Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng của Hội đồng nhân dân, còn Văn phòng Ủy ban nhân dân vẫn để riêng.

Còn tại Phiên họp 45, có ý kiến đề nghị nếu dựa vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất của mỗi cơ quan thì cơ quan nào có bộ máy tham mưu, giúp việc riêng. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội riêng và Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh riêng và Hội đồng Nhân dân riêng.

Cũng có ý kiến nói rằng nếu sáp nhập thật tinh gọn thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội riêng, còn Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân gộp chung.

Việc sáp nhập 3 văn phòng là chủ trương thí điểm, nếu tốt thì nhân rộng ra, nếu chưa đạt sự thống nhất, chưa đồng thuận cao, thực hiện chưa tốt thì giữ như cũ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện lại báo cáo, báo cáo lại với Trung ương, Bộ Chính trị về việc thực hiện thí điểm nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục chương trình, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và cụ thể hóa Điều 10 và Điều 16 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2018.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí về việc áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu kết hợp với tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đồng thời sửa lại tên gọi của dự thảo Nghị quyết nhằm tránh trường hợp các doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí về doanh thu và lao động như quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác nhân sự chuẩn bị trình Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục