Bế mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh bốn dự án luật và các báo cáo để thực hiện các bước tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 35. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 17/7, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 35.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mỗi nội dung tại phiên họp, các Phó Chủ tịch Quốc hội đều đã có kết luận trên cơ sở thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh bốn dự án luật và các báo cáo để thực hiện các bước tiếp theo; đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau khi tổng kết Kỳ họp thứ 7, có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các kỳ họp sau. Những việc có liên quan sẽ được các cơ quan hữu quan tập trung chủ động quyết liệt nhiều hơn nữa, thực hiện ngay từ bây giờ để phục vụ cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10/2019 tới.

[Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 21/10]

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước hết các cơ quan hữu quan phải khẩn trương hoàn thiện bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào tháng 8, tháng 9 tới đây.

Khối lượng công việc cần xem xét trong hai phiên họp sắp tới rất quan trọng, rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai tốt những công việc theo kế hoạch đề ra, không chủ quan dẫn đến tình trạng chậm trễ.

Cụ thể gồm các nội dung: Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội (thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị); Nghị quyết xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và một số nghị quyết khác, một số luật cần sửa đổi, bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là vào Phiên họp tháng 9/2019.

Cho rằng việc ứng dụng phần mềm đối với hoạt động của Quốc hội tiếp tục được cải tiến, cập nhật, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Văn phòng Quốc hội, Ban chỉ đạo xây dựng Quốc hội điện tử; đề nghị tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện đề án - coi đây là khung cơ sở pháp lý để tiếp tục từng bước lộ trình xây dựng Quốc hội điện tử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên thông với những cơ sở dữ liệu dùng chung, có tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan và tính kết nối, liên thông trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, kể cả ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp để phục vụ đất nước và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trước đó, sáng 17/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc phân bổ và sử dụng phần kết dư Quỹ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế chỉ được đặt ra từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế năm 2014.

Trong đó, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 35 thì từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm trích 80% số kinh phí khám, chữa bệnh chưa sử dụng hết vào quỹ dự phòng, đồng thời thông báo 20% số kinh phí dùng cho khám, chữa bệnh chưa sử dụng hết cho địa phương để sử dụng theo thứ tự ưu tiên: Hỗ trợ quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; mua trang thiết bị y tế phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ y tế; mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện.

Trong thời hạn 12 tháng, sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán và kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phần kinh phí chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết phải thu hồi và chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về Quỹ dự phòng.

Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế là vượt quy định của Luật Bảo hiểm y tế, do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, khoản kinh phí kết dư 20% từ Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phát sinh từ năm 2015 được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình thông qua ngày 29/12/2016. Theo quy định thì khoản kinh phí kết dư này được sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 quy định “Hằng năm, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.”

Về số tiền 518,389 tỷ đồng chưa thanh toán, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng về nguyên tắc, sau 12 tháng các địa phương không sử dụng hết sẽ phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này nên các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến có 11 địa phương chưa hoàn tất việc thanh toán theo quy định.

Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản, các địa phương này đã ký hợp đồng mua sắm, nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh và các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc phải tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn và xét tới các vấn đề cần được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, xét tới mục đích chăm sóc sức khỏe nhân dân, điều kiện hoàn cảnh vào năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi nên không tránh khỏi lúng túng, vướng mắc; đồng thời việc kinh phí này liên quan đến thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển cho bệnh nhân và liên quan đến yếu tố con người nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét một cách toàn diện, đồng ý thống nhất trình ra Quốc hội xem xét quyết định, có cho tiếp tục sử dụng nguồn tiền trong số 20% để lại cho địa phương là 518,389 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân trách nhiệm vì sao 38 tỉnh, thành đều thực hiện tốt, trong đó có rất nhiều tỉnh khó khăn, mà vẫn còn 11 tỉnh, thành lại không thực hiện được, có những địa phương lớn, từ đó phê bình một cách nghiêm túc đối với những địa phương chưa thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao cho Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thẩm tra chính thức, Chính phủ hoàn chỉnh lại toàn bộ hồ sơ để trình ra Quốc hội đảm bảo có chi tiết làm rõ những vấn đề về nguyên nhân, trách nhiệm, những vấn đề cần rút kinh nghiệm để trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục