Bế mạc phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); cho ý kiến dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)...
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bế mạc phiên họp thứ 37.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật an toàn thông tin, Luật phí, lệ phí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam; cho ý kiến các dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội; cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2016; nghe báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận nhấn mạnh các cơ quan hữu quan cần chuẩn bị chu đáo các nội dung cho Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra vào tháng Năm tới. Khối lượng công việc nhiều đòi hỏi các đơn vị phải nỗ lực và có tinh thần trách nhiệm cao để chuẩn bị tốt cho kỳ họp cuối năm.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016.

Báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016 cho biết Quốc hội sẽ tiến hành ba kỳ họp với những điểm chính của mỗi kỳ họp là Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3/2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, diễn ra khoảng 20 ngày, vào cuối tháng 7/2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; tại kỳ họp này, dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 14, diễn ra vào cuối tháng 10/2016; hoạt động của Quốc hội đi vào ổn định, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; tại kỳ họp này, dự kiến có tiến hành hoạt động chất vấn và giám sát một chuyên đề.

Trong ba nội dung chuyên đề cụ thể được đề xuất tại Báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết sẽ trình hai nội dung là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ để thực hiện mục tiêu đến 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để Quốc hội lựa chọn giám sát.

Thời gian còn lại của buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại một số nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục