Bế mạc Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ở Cần Thơ được kỳ vọng góp phần tôn vinh, gìn giữ và phát huy văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử cũng như văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Bế mạc Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ảnh 1Tiết mục 'Tiếng đờn ca mùa nước nổi.' (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Tối 11/4, tại Cần Thơ, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX-Cần Thơ năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức từ ngày 6-11/4 đã chính thức bế mạc.

Sự kiện thu hút khoảng 950.000 lượt khách tham quan, với tổng doanh thu ước đạt 380 tỷ đồng.

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III-Cần Thơ năm 2022 có sự góp mặt của 420 nghệ nhân, tài tử, diễn viên đến từ các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa điện ảnh và các câu lạc bộ đờn ca tài tử của 21 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Bình Dương, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Các tiết mục biểu diễn đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt một số đoàn nghệ thuật còn có sự tham gia của các tài tử nhỏ tuổi, cho thấy tín hiệu khả quan của việc trao truyền và tiếp nối loại hình văn hóa nghệ thuật đặc biệt này.

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ có 207 gian hàng (gồm 135 gian hàng bánh dân gian, 49 gian hàng đặc sản vùng miền và du lịch; 23 gian hàng ẩm thực).

Hoạt động Hội thi bánh dân gian quy tụ 175 nghệ nhân thuộc 31 đơn vị với 97 món bánh đến từ các vùng, miền trong cả nước, đặc biệt có sự tham gia của 6 tỉnh phía Bắc gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Thanh Hóa...

Các loại bánh dân gian đặc trưng được các đơn vị mang đến Hội thi năm nay đều có sự chuẩn bị chu đáo từ các nghệ nhân gạo cội, nguyên liệu sử dụng là đặc trưng của địa phương.

Mỗi loại bánh lại được nghệ nhân lồng ghép “thổi hồn cho sản phẩm” thông qua những câu chuyện và nguồn gốc, sự tích, ý nghĩa của bánh.

Theo Ban tổ chức, liên hoan và lễ hội đã thu hút, đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham gia mỗi ngày.

Thông qua các hoạt động tại liên hoan và lễ hội, người mộ điệu đã có những phút giây lắng đọng và thăng hoa cùng nghệ thuật đờn ca tài tử. Đây cũng là dịp các nghệ nhân hội ngộ, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và thể hiện tài năng, nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

[Infographics] Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - báu vật phương Nam

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết liên hoan và lễ hội được kỳ vọng góp phần tôn vinh, gìn giữ và phát huy văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử cũng như văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

Đây cũng là hoạt động nhằm tôn vinh quá trình lao động sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, tạo điều kiện hỗ trợ nghệ nhân liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã có thành tích xuất sắc trong phối hợp tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022; trao cờ luân lưu cho tỉnh Tây Ninh - địa phương đăng cai Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần IV; trao tặng huy chương Vàng Hội thi Bánh dân gian cho 24 nghệ nhân; trao tặng Huy chương “Không gian đờn ca tài tử”; hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử”…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục