Sáng 10/12, sau 3,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, chặt chẽ, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ các nội dung, chương trình đề ra.
Dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố và quận, huyện, thị xã.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, góp phần vào thành công của kỳ họp.
Với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân thành phố được sắp xếp, bố trí khoa học, giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình, dành nhiều thời gian để các vị đại biểu thảo luận, bàn bạc quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố và thực hiện hoạt động chất vấn, tái chất vấn, là chức năng giám sát rất quan trọng của Hội đồng Nhân dân thành phố tại kỳ họp.
Tại các phiên thảo luận, đã có 63 lượt đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến. Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã xem xét 20 báo cáo và biểu quyết thông qua 23 Nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khái quát một số nội chính trong kết quả kỳ họp như: về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách của thành phố, các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, tài chính, ngân sách của thành phố.
Các đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 của thành phố với 22 chỉ tiêu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thành phố cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, đối với các nghị quyết được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua tại kỳ họp này, trong đó có những nội dung quan trọng như: phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025; mức xử phạt đối với các vi phạm lĩnh vực văn hóa; các cơ chế, chính sách, mức chi đặc thù đối với người có công, đối tượng chính sách; chế độ hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa…
Đây là những cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố. Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động tổ chức triển khai, đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng xem xét, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; các biện pháp xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tổng hợp, tiếp thu đầy đủ và tổ chức triển khai, thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện chất vấn, tái chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề.
Đó là tái chất vấn tiến độ thực hiện một số dự án, công trình được Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan cam kết tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân thành phố; chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.
[Chủ tịch UBND Hà Nội làm rõ hai nhóm vấn đề được dư luận quan tâm]
Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. Người hỏi ngắn, gọn, rõ ràng, người trả lời đi thẳng vào đúng vấn đề được chất vấn. Đã có tổng số 31 lượt đại biểu phát biểu chất vấn, tranh luận. Có 3 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, 9 Giám đốc Sở, ban, ngành; 3 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đã tham gia trả lời chất vấn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát biểu báo cáo, tiếp thu, giải trình làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố quan tâm và trả lời trực tiếp chất vấn đối với những nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân, của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết phiên chất vấn, trong đó xác định rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và thời hạn cụ thể, yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết với Hội đồng Nhân dân thành phố; khẩn trương, nghiêm túc, tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố kết quả thực hiện tại kỳ họp giữa năm 2023.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Hội đồng Nhân dân thành phố đã thảo luận, xem xét và thông qua các nghị quyết về: thành lập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022; Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Quy định tên gọi, quy trình thủ tục, điều kiện xét tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”; Kế hoạch tổ chức các kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố trong năm 2023; ban hành Nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ mười Hội đồng Nhân dân thành phố; ban hành Nghị quyết về Nội quy kỳ họp.
Đáng chú ý, về việc thành lập, đặt tên 43 thôn, tổ dân phố mới thuộc 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố năm 2022, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết nghị cụ thể, quận Thanh Xuân thành lập 1 tổ dân phố mới; quận Hà Đông thành lập 9 tổ dân phố mới; quận Hai Bà Trưng thành lập 1 tổ dân phố mới; quận Long Biên thành lập 3 tổ dân phố mới; quận Hoàng Mai thành lập 8 tổ dân phố mới; quận Nam Từ Liêm thành lập 10 tổ dân phố mới và huyện Thanh Trì thành lập 5 tổ dân phố mới; huyện Mỹ Đức thành lập 6 tổ dân phố mới.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng thông qua việc đổi tên 16 thôn, tổ dân phố thuộc 2 quận, thị xã, cụ thể, quận Thanh Xuân đổi tên 15 tổ dân phố, thị xã Sơn Tây đổi tên 1 thôn.
Cũng tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Nguyên Quân do được điều động công tác khác; bầu ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố giữ chức vụ Trưởng ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đã miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đối với ông Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), ông Vũ Văn Viện (nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải), ông Bùi Duy Cường (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) do được điều động, luân chuyển công tác khác và nghỉ chế độ; đồng thời kiện toàn, bổ sung chức danh Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội./.