Bế mạc hội thảo không chính thức của ASEM về quyền con người

Các đại biểu khẳng định kết quả hội thảo góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm quyền con người và trách nhiệm xã hội.
Bế mạc hội thảo không chính thức của ASEM về quyền con người ảnh 1Quang cảnh lễ khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 20/11, tại Hà Nội, Hội thảo không chính thức lần thứ 14 của Diễn đàn Á-Âu (ASEM) về quyền con người với chủ đề “Doanh nghiệp và bảo vệ quyền con người” đã bế mạc.

Tham dự Hội thảo có 120 đại biểu đại diện cho chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, một số công ty, tập đoàn đa quốc gia đến từ 53 thành viên Diễn đàn hợp tác Á-Âu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao vai trò và đóng góp của nước chủ nhà Việt Nam, đồng thời khẳng định kết quả hội thảo góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm quyền con người và trách nhiệm xã hội.

Các đại biểu nhấn mạnh, trách nhiệm đảm bảo quyền con người trước hết thuộc về Nhà nước. Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp đóng vai trò hỗ trợ quan trọng vào tiến trình này, nhất là để đảm bảo phát triển, bảo vệ quyền lợi của những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật.

Các đại biểu nhất trí doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và thúc đẩy cách tiếp cận quyền con người trong hoạt động kinh doanh của mình.

Trong thời gian làm việc, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học tốt, các sáng kiến khác nhau, một số gợi ý để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tôn trọng, áp dụng các điều kiện về quyền lợi của người lao động, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, quyền của người lao động nhập cư, trách nhiệm của doanh nghiệp.

Với chủ đề “Doanh nghiệp và bảo vệ quyền con người," Hội thảo tập trung trao đổi bốn nội dung chính gồm trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm doanh nghiệp bảo vệ quyền con người; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo đảm quyền con người; các biện pháp khắc phục và phối hợp giữa các bên liên quan.

Đoàn Việt Nam đã tham gia và có đóng góp tích cực về thông tin chính sách, pháp luật của Việt Nam, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, trong đó có Bộ luật Lao động năm 2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục