Chiều 5/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, diễn đàn đã thành công rất tốt đẹp; được tổ chức với phiên toàn thể, toạ đàm cấp cao và hai phiên chuyên đề đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 đại biểu tham dự gồm 4 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; 20 Ủy viên Trung ương Đảng và 25 bộ trưởng, trưởng ban Đảng, trưởng ngành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; 9 vị đại sứ, đại biện lâm thời của các nước trong khu vực và trên thế giới; 20 tổng giám đốc (CEO) của các doanh nghiệp.
Diễn đàn được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu trong cả nước, kết nối với điểm cầu tại Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan và đại diện 5 tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Có thể nói rằng, trong một ngày làm việc đầy ắp thông tin, về tình hình thế giới, trong nước, không chỉ vấn đề phòng chống dịch bệnh mà còn cả vấn đề về tăng trưởng, phát triển kinh tế ở các nước; các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách tài khóa, tiền tệ, chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện VCCI, của các hợp tác xã và trực tiếp của một số doanh nghiệp; chia sẻ giữa Trung ương và địa phương, trong nước và ngoài nước, giữa chuyên gia trong nước và nước ngoài, giữa học giả nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, cơ quan thực thi chính sách và đối tượng thụ hưởng chính sách.
Diễn đàn đã dành nhiều thời gian, trọng tâm vào chính sách tài khóa và tiền tệ, các chính sách an sinh xã hội và các vấn đề lao động trong tổng thể chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tổng hợp các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu thảo luận trao đổi về giải pháp phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Nhấn mạnh yêu cầu cần bám sát chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước để cụ thể hóa Kết luận Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, trong đó bảo đảm tính nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cơ quan chủ trì sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam sẽ có báo cáo tổng thuật đầy đủ toàn bộ diễn biến, kết quả của diễn đàn, tổ chức biên soạn và in kỷ yếu gửi các cơ quan hữu quan, các cơ quan của Quốc hội làm căn cứ nghiên cứu, chuẩn bị cho phiên họp tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến diễn ra cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2022.
Phối hợp chặt chẽ, hài hòa chính sách
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ra tổn thất rất nặng nề và sâu rộng cho các nước trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ.
Theo tính toán, trong 2 năm chúng ta thiệt hại tính theo GDP là 847.000 tỷ đồng, chưa tính những thiệt hại khác. Vì vậy, trong bối cảnh đặc biệt thì cần thiết phải có giải pháp đột phá với cơ chế khác với cơ chế trong điều kiện bình thường.
[Chuyển đổi số để Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045]
Theo đó, cần tập trung hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung. Cùng với đó phải phối hợp chặt chẽ, hài hoà cả chính sách tài khóa và tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Kinh nghiệm thế giới là tài khóa 65%, tiền tệ 35%. Với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp có lộ trình khoảng 2 năm 2022 và 2023 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 với những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ yêu cầu phải có mục tiêu cụ thể dễ dàng trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi nhanh chóng kịp thời vừa đáp ứng việc yêu cầu hỗ trợ người dân doanh nghiệp, hợp tác xã, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn phục hồi kinh tế, vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.
Nhắc lại ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng vĩ mô giữ được là rất lâu dài và rất khó, nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh rất dễ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mất ổn định vĩ mô là mất hết, do đó giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài.
Các chính sách cần xác định đúng và trúng đối tượng
Các đại biểu đều đánh giá cần thiết phải có chính sách hỗ trợ và cần sớm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ cải cách, tăng cường niềm tin của người dân doanh nghiệp, và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong thu hút đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế, đầu tư thương mại giữa các nước với Việt Nam.
Các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành và lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành lĩnh vực tăng trưởng cao và có tính dài hạn, trong việc cải cách thể chế hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, đối với kết cấu hạ tầng logicstic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, các chính sách cần xác định đúng và trúng đối tượng, tạo ra tác động lan tỏa kích thích phục hồi kinh tế và đảm bảo hiệu quả của dòng vốn đầu tư.
Có nhiều ý kiến thảo luận trao đổi về giải pháp phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu qủa dịch COVID-19.
Vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần quan tâm tới các quan điểm lớn là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong việc kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, cầu là kích cầu thị trường; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; quy mô hỗ trợ phải đủ lớn, có mục tiêu, có trọng tâm-trọng điểm; nguồn lực đưa ra phải có khả năng hấp thụ ngay, bởi hiện nay không chỉ đầu tư công mà ngay cả đầu tư tư nhân cũng đang rất chậm; thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm, 2022-2023; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Có thể chấp nhận một số thay đổi trong ngắn hạn. Ví dụ như tăng bội chi, tăng trần nợ công, lạm phát có thể không kiểm soát từng năm, mà có thể kiểm soát theo lạm phát mục tiêu. Nhưng trong cả một giai đoạn thì phải bảo đảm được chỉ số an toàn của tài chính và tiền tệ quốc gia, nhất là khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước.
Huy động, quản lý, phân bổ các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực và lợi ích nhóm. Như vậy cần có thiết chế giám sát, kiểm tra bằng nhiều cách thức khác nhau.
“Chúng ta đã thống nhất là không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng do y tế, mà còn tính toán đến cả về lâu dài là cơ cấu, cấu trúc lại nền kinh tế để hướng tới phát triển theo hướng xanh, số và bền vững,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tới việc cần phải thay đổi nhận thức, tư duy về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là cần chú trọng quan hệ hữu cơ gắn kết giữa ngân sách nhà nước, tín dụng ngân hàng và nhu cầu năng lực của doanh nghiệp và người dân.
Doanh nghiệp, người dân tạo ra của cải, vật chất, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như tạo ra dòng tiền với hệ thống ngân hàng. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam rất coi trọng nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, nhưng khi triển khai thì cần phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Ví dụ được nêu ra là các nước ưu tiên sử dụng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân để kích thích tổng cầu vì độ co giãn của cầu ở các nước phát triển rất hẹp. Trong khi ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc hỗ trợ thông qua chính sách miễn, giảm thuế giúp phạm vi thụ hưởng rộng hơn, đồng thời kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ hiệu quả hơn.
Gần đây nhất, nước ta giảm thuế trước bạ nhưng tổng thu thuế trước bạ lại tăng do người dân mua xe nhiều hơn. Hay nước ta giảm 2% thuế giá trị gia tăng, tác động đến thu ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng.
Nước ta hoàn toàn có thể vẫn thu đầy đủ 2% thuế giá trị gia tăng, sau đó lấy 80.000 tỷ đồng thu được để hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp, nhưng giảm thuế giúp đạt được đa mục tiêu, hiệu quả nhiều mặt hơn.
Hỗ trợ lãi suất tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn
Nêu ý kiến về việc cần phải có gói hỗ trợ về lãi suất, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi..., tức là hỗ trợ có điều kiện chứ không phải là hạ chuẩn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến chú trọng cải tạo chung cư cũ; hỗ trợ tài chính để nhà đầu tư có cơ hội đầu tư, có lãi ở mức độ nhất định, từ đó gỡ được điểm nghẽn này thì góp phần để Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng 7-8%.
Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo hình thức thuê mua chứ không phải là bán như hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến nghiên cứu gói cho vay tái cấp vốn với quy mô đủ lớn để hỗ trợ gói tín dụng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động như đã áp dụng trước đây; sử dụng nguồn lực, đầu tiên thì tập trung cho lĩnh vực y tế, trong đó ưu tiên tăng ngân sách cho củng cố hệ thống y tế cơ sở các cấp, chú trọng y tế cơ sở, y tế dự phòng, đầu tư hiện đại hóa các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), đẩy mạnh mua vaccine cùng nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tăng cường năng lực xét nghiệm, trang thiết bị y tế, đào tạo huấn luyện nghiệp vụ y tế, chủ động phòng chống dịch COVID-19, rà soát kỹ chương trình mục tiêu quốc gia để tránh trùng lặp, hiện đại hóa ngành y tế.
Quan tâm chính sách an sinh xã hội
Về lao động việc làm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phân bổ nguồn lực hợp lý, quan tâm tới chính sách an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục lại thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy thị trường lao động, thiếu lao động…
Cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thị trường đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề như lao động nữ, lao động trẻ, đầu tư vào các chính sách thị trường lao động chủ động bao gồm dịch vụ, việc làm, công việc làm có trợ cấp, các chương trình việc làm công, tăng cường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, xây dựng cơ chế và quy trình đối thoại, phản ánh tiếng nói của những đối tượng bị ảnh hưởng nhất.
Nghiên cứu tiền hỗ trợ tiền thuê nhà của lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề; khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay đối với lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chuyển đổi số bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thành phố thông minh là lựa chọn cấp thiết, nhiệm vụ bao trùm trong cả giai đoạn 2021-2025 và có thể đẩy mạnh từ giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế này.
Cùng với đó cần khuyến khích đầu tư xanh, kinh tế xanh, phục hồi xanh, kinh tế tuần hoàn, vấn đề môi trường, năng lượng xanh, năng lượng sạch, thực hiện việc giảm khí thải xuống mức zero, cần phải đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, tăng thuế chuyển tải các-bon; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Trên cơ sở hồ sơ do Chính phủ trình, Quốc hội sẽ xem xét, giải quyết sửa đổi luật để giải quyết được vấn đề này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại diễn đàn, nổi lên một số thông điệp đó là cần phải tự cường, phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình; không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp.
Nhiều diễn giả cho rằng, chúng ta phải lạc quan, tự tin vào chính mình, tự tin vào dân tộc mình, tự tin với khả năng biến nguy thành cơ, tự tin trong tìm kiếm cơ hội…
Tại Phiên bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu bật thông điệp quan trọng và nhất quán, đó là chúng ta phải đồng hành cùng với nhau.
Ngạn ngữ có câu "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau," trong “Phục hồi và phát triển bền vững,” theo Chủ tịch Quốc hội, muốn đi xa trong điều kiện đường sá khúc khuỷu, gập ghềnh, khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, khu vực./.