Sau ba ngày làm việc khẩn trương, tích cực, sáng 14/5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2019 đã bế mạc.
Dự lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan Tashi Dorji; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương; trưởng các phái đoàn ngoại giao quốc tế. Các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các nước, các tông phái Phật giáo trên thế giới cũng tham dự.
Đại lễ Vesak lần thứ 16 thành công viên mãn
Trong diễn văn bế mạc Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, nêu rõ, Đại lễ Vesak lần thứ 16 đã thành công viên mãn.
Bày tỏ vinh dự được đón tiếp các nhà lãnh đạo chính trị các quốc gia, chư tôn đức lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, các tổ chức hệ phái truyền thừa Phật giáo từ khắp các châu lục hội tụ về Việt Nam lần thứ ba kỷ niệm ngày Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định: Điều đó đã khẳng định giáo lý duyên khởi, sự hòa hợp và cân bằng trong con đường trung đạo của Phật giáo đang ngày càng khẳng định giá trị.
Chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn, cùng với sự khẳng định giá trị cốt lõi về hòa bình và trí tuệ trong giáo lý của Đức Phật, hơn bao giờ hết, càng cần thiết được phổ biến trong xã hội ngày nay để xây dựng sự phát triển bền vững và hòa bình đích thực cho nhân loại.
“Hội thảo khoa học quốc tế Đại lễ Vesak 2019 kết tinh trí tuệ của hơn 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 3.000 chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được đúc kết trong Tuyên bố Hà Nam 2019, sẽ là cam kết của cộng cộng đồng Phật giáo thế giới góp phần xây dựng hòa bình cho nhân loại,” Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV), khẳng định: Nhờ lòng mến khách của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo và nhân dân Việt Nam, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã thành công tốt đẹp. Việt Nam đã đặt ra tiêu chuẩn ngày một cao hơn cho Đại lễ Vesak.
Chúc mừng thành công này, Hòa thượng Brahmapundit bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp cho các đại biểu dự Đại lễ có những ký ức, trải nghiệm tuyệt vời.
“Thành công đó có được nhờ sự lao động cần cù, ở phía sau hội trường, Ban Tổ chức đã phải làm việc vô cùng vất vả, kể cả phía Ban Tổ chức quốc tế chúng tôi đến từ Hội đồng Quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc cũng như là Ban Tổ chức trong nước ở Việt Nam đã làm việc rất tích cực. Chúng tôi đã hợp tác một cách toàn diện, không những hợp tác về mặt Giáo hội mà còn hợp tác với cả Chính phủ Việt Nam, điều này chúng ta phải ghi nhớ,” Hòa thượng Brahmapundit cho biết.
Theo Hòa thượng Brahmapundit, qua Đại lễ các đại biểu đã học hỏi được nhiều giá trị từ nhau, đưa ra cam kết mới để có thể xây dựng xã hội bền vững, hình thành nên những mối quan hệ Phật giáo để góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Hòa thượng Brahmapundit bày tỏ tin tưởng rằng các đại biểu sẽ tiếp tục bảo lưu tình bạn, tình bác ái cũng như quan hệ hợp tác của mình; kêu gọi thực hiện những dự án vì mục đích sẻ chia, lên kế hoạch hành động theo Tuyên bố Hà Nam 2019.
Hòa thượng Brahmapundit cũng cho biết, hiện tại chưa có quyết định về nước chủ nhà của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2020. Hội đồng Quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã nhận được đề xuất của ba quốc gia và sẽ phải xem xét kỹ, chi tiết mới có thể quyết định tổ chức ở quốc gia nào.
Chuyển lời chào mừng và lời chúc của Quốc vương Bhutan tới Đại lễ, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan Tashi Dorji cảm ơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có lời mời đến tham dự Đại lễ. Ghi nhận Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ.
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan nêu rõ, Phật giáo có vai trò quan trọng, bám sâu gốc rễ vào văn hóa truyền thống, luật pháp và quản trị quốc gia. Cho rằng “Phật giáo phải thực sự là chất xúc tác để mang lại hòa bình”, ông hy vọng các nhà lãnh đạo thực sự ghi nhận và hiểu sâu những giá trị mà đã được trao đổi tại Đại lễ để thực hành, tạo ra tương lai tốt đẹp hơn.
Tiếp tục giương cao ngọn cờ nhân văn hòa bình, hữu nghị và hợp tác
Nhìn nhận Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc đã trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật - bậc minh triết được Liên hợp quốc suy tôn và nhân loại ngưỡng mộ, là nơi gặp gỡ của Phật tử và những người yêu kính đạo Phật, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Đại lễ Vesak năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ nhân văn hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, kết nối sức mạnh, tình đoàn kết, gắn bó, tinh thần nhập thế và sự nỗ lực cùng nhau hành động của Phật tử trên khắp thế giới, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội.
Trong những ngày qua, những tinh hoa về tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo đã kết nối bầu bạn khắp nơi hội tụ về Tam Chúc trong tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa những người có chung tâm nguyện cùng nhau thúc đẩy tinh thần khoan dung, hòa hợp để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
Theo Phó Thủ tướng, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã được tuyên xưng trong tinh thần dân chủ, hòa hợp và trách nhiệm lớn lao.
Các ý nguyện tốt đẹp về một thế giới hòa bình, về một xã hội phát triển bền vững đã được thảo luận, thống nhất thể hiện qua Tuyên bố chung Hà Nam 2019, khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
“Với những đóng góp đó, chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhân loại và những bất ổn của xã hội như: chiến tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khổ đau của nhân loại, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu... từng bước được đẩy lùi. Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thu được lợi ích sâu sắc và to lớn, để thông điệp về hòa bình và yêu thương của Đức Phật luôn tỏa sáng,” Phó Thủ tướng bày tỏ.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đất nước Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu phát triển, trong đó có việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, phát triển y tế, giáo dục và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật.
Các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội như từ thiện, giáo dục, y tế.
“Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, có chính sách tốt hơn nữa để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của người dân đặc biệt là những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thực hiện bình đẳng xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh,” Phó Thủ tướng khẳng định.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đại diện của Liên hợp quốc, các vị khách quốc tế, đại biểu và toàn thể Tăng, Ni, Phật tử đã nhiệt tình hưởng ứng, tham dự, đóng góp trí tuệ và công sức, góp phần vào sự thành công của Đại lễ; đánh giá cao sự nỗ lực và chúc mừng thành công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các thành viên của Ủy ban Tổ chức Quốc tế, Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, các ban, bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Nam đã dành nhiều tâm huyết, công sức để Vesak 2019 đạt được kết quả tốt đẹp.
Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức quốc gia Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, đã báo cáo tổng kết Đại lễ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019, tuyên đọc “Tuyên bố Hà Nam 2019.”
Tuyên bố gồm chín điều, nêu lên thông điệp về hòa bình, xã hội bền vững, các vấn đề liên quan khác dựa trên lời dạy của Đức Phật về từ bi và trí tuệ; các cam kết cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.
Cam kết chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn với xã hội
Tuyên bố Hà Nam 2019 nêu rõ: Trong khi cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững,” các đại biểu đã chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về các xu hướng mới nhất và phát triển trong các lĩnh vực khác nhau, cũng như thận trọng xem xét tầm quan trọng, phạm vi, mức độ phức tạp và các tác động thực tế của những vấn đề này trên phạm vi toàn cầu.
Tuyên bố đưa ra cam kết đảm nhận vai trò ngày càng tích cực ở địa phương và trên toàn cầu; chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn với xã hội nhằm ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển các xã hội bền vững trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp; tiếp sức sống với khái niệm “Phật giáo nhập thế” bằng cách hướng tới các hoạt động mang tính toàn cầu và tham gia tích cực hơn vào các tổ chức quốc tế; phê chuẩn cách tiếp cận của Phật giáo như mô hình toàn mãn nhằm đạt được lý tưởng hòa bình và hiểu rõ các giá trị phổ quát của nhân loại.
Tuyên bố thể hiện sự đồng tâm với các triết lý Phật giáo nhằm khám phá các đặc điểm và bối cảnh thay đổi trong việc theo đuổi giáo pháp của Đức Phật như sự hướng dẫn tinh thần cho nền quản trị toàn cầu; nhận diện khuôn khổ của hành động quốc tế dựa trên Phật giáo là giải pháp khả thi cho sự thịnh vượng, phát triển và tiến bộ của nhân loại trong tinh thần duyên sinh; thừa nhận sự vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại.
Để thúc đẩy khái niệm về trách nhiệm cùng chia sẻ, trong Tuyên bố Hà Nam 2019 các đại biểu quyết tâm xây dựng nền tảng chủ động và hỗ trợ cho các tương tác bằng cách xác định vai trò quan trọng của các cộng đồng Phật giáo trên thế giới; hỗ trợ chuyên môn của mỗi người trên cơ sở các nguyên tắc Phật giáo vì lợi ích cùng nhau và vì nhau; mở rộng ý tưởng của tâm từ bi, hành động thiện lành và hỗ trợ để giúp đỡ những người ngoài cộng đồng Phật giáo mà không có bất kỳ sự phân biệt nào trên cơ sở chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và giới tính.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác với các cơ quan quốc tế nhằm đạt mục tiêu cuối cùng của Phật giáo là chuyển hóa đau khổ; truyền bá năm điều đạo đức Phật giáo và thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cộng đồng địa phương nhằm biến chúng thành các mục tiêu cụ thể như nền tảng của trách nhiệm cùng chia sẻ đối với điều kiện sống tốt hơn trên toàn thế giới.
Để cùng tạo nên các xã hội bền vững, các đại biểu nêu quyết tâm tạo nên sự tương thích giữa các cộng đồng bằng cách nhận ra những lời dạy của Đức Phật có khả năng thúc đẩy sự phát triển tiềm năng của con người trong sự bền vững; tạo sức sống về sự hội nhập của ba trụ cột Phật giáo về phát triển gồm có bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội.
Đưa ra thông điệp lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững, Tuyên bố nhấn mạnh tới cách tiếp cận đối thoại và phi bạo lực trong việc xây dựng hòa bình, đi ngược lại mô hình cũ “kẻ mạnh hiếp kẻ yếu”; khuyến khích các khái niệm từ bi và trí tuệ, làm nền tảng nhằm tránh và giải quyết các tranh chấp hoặc xung đột; xác quyết tầm quan trọng cơ bản của lãnh đạo có chính niệm liên quan đến sự hướng dẫn về đạo đức cá nhân và xã hội nhằm đóng góp vào việc xây dựng hòa bình; giải quyết các tranh chấp, xung đột, tôn trọng cuộc sống, chấm dứt bạo động cùng các cuộc chạy đua vũ trang, khắc phục bất bình đẳng và đặc biệt là thực hành tâm nhân từ và không bạo lực thông qua đối thoại và hợp tác.../.