Bệ đỡ cho thị trường phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Theo ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của COP, thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ chế pháp lý và các chuỗi cung ứng hiện có.
Bệ đỡ cho thị trường phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam ảnh 1Một dự án điện gió tại thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Điện gió đang được nhiều chuyên gia đánh giá là một loại hình năng lượng giúp Việt Nam thu hút những khoản đầu tư nước ngoài, thay cho công suất các nguồn điện than dự kiến sẽ cắt giảm trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, “room” cho điện gió và những cơ chế khuyến khích đằng sau cho loại hình năng lượng này vẫn còn là ẩn số.

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Việt Nam về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt ở lĩnh vực điện gió của Việt Nam hiện nay?

Ông Sean Huang: Là một nhà đầu tư lớn trên thế giới về năng lượng gió, chúng tôi đánh giá cao tầm nhìn và quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững.

Điện gió ngoài khơi là một ngành công nghệ đã được chứng minh có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng như hướng tới đạt được các mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) và chuyển đổi sang năng lượng sạch, bền vững được nêu rõ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[Bộ Công Thương: Kéo dài ưu đãi giá FIT dự án điện gió là không hợp lý]

Với các yếu tố công suất cao có thể cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện (khoảng 50%) và khi đạt công suất phụ tải tối đa, điện gió ngoài khơi sẽ mở ra tiềm năng to lớn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo sự phát triển cho chuỗi cung ứng địa phương tại Việt Nam. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia vào thị trường Việt Nam, mà cả các công ty dầu khí trong nước, bao gồm cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đều đang chú ý đến việc chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng phát triển điện gió ngoài khơi.

Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Chính phủ đang đi đúng hướng và có quyết tâm đạt được Net Zero trong những thập kỷ tiếp theo tại Việt Nam. Là một đơn vị tiên phong trong phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, chúng tôi đã làm việc với chính phủ các nước trong việc thiết kế và khắc phục các vấn đề về quy chế để đảm bảo triển khai dự án thành công. Chúng tôi nhận thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà phát triển để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng các quy định, huy động vốn và chuyển giao công nghệ.

- Vậy, trong quá trình triển khai khảo sát, đầu tư dự án, doanh nghiệp gặp những vướng mắc, khó khăn gì?

Ông Sean Huang: Đối với thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy một vài thách thức, rủi ro chính gồm: rủi ro khung pháp lý, hợp đồng mua bán điện, chậm tiến độ xây dựng lưới điện, rủi ro chuỗi cung ứng… Bên cạnh đó, có sự khác biệt về kỹ thuật góp phần tạo nên cơ cấu chi phí và tổng mức đầu tư rất khác nhau giữa các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi.

Điện gió ngoài khơi là một trong những dự án năng lượng phức tạp nhất khi thực hiện. Do đó, để đảm bảo việc chuyển giao và quản lý các dự án điện gió ngoài khơi được thông suốt, các luật và quy định riêng cho lĩnh vực này cần phải được xây dựng.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu khung pháp lý dành riêng cho điện gió ngoài khơi và nhiều cơ quan chức năng vẫn đang xem xét các dự án điện gió ngoài khơi thông qua lăng kính của các dự án gió trên bờ hoặc gần bờ điển hình.

Do đó, các nhà phát triển điện gió ngoài khơi bối rối bởi thủ tục xin cấp các giấy phép chưa rõ ràng để đạt được các mốc tiến độ quan trọng của dự án. Chẳng hạn như giấy phép thực hiện khảo sát ngoài khơi, lộ trình để có được giấy phép đầu tư và làm thế nào để có được hợp đồng mua bán điện...

Một vấn đề quan trọng khác là việc đang dần ngừng các cơ chế hỗ trợ phát triển cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi lại có bản chất khác với các dự án điện mặt trời hoặc điện gió trên bờ, gần bờ.

Kinh nghiệm thực tế từ các nước trên thế giới, bao gồm: Anh, Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Đài Loan (Trung Quốc), đều cho thấy tầm quan trọng của việc có một lộ trình phát triển ngành này rõ ràng, bắt đầu với các ưu đãi giá FIT, trước khi có các cơ chế chuyển đổi sang đấu thầu mở.

Cơ chế hỗ trợ giá FIT trong giai đoạn đầu là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro và giúp các nhà đầu tư tự tin hơn với chi phí đầu tư khổng lồ của các dự án điện gió ngoài khơi tại một thị trường hoàn toàn mới. Trong thực tế, giá bán điện đảm bảo và hợp đồng PPA quốc tế là điều cần thiết để đảm bảo dự án có thể huy động được các nguồn tài chính quốc tế trước khi xây dựng.

Cuối cùng, một hệ thống lưới điện vững chắc có thể duy trì nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn trong những thập kỷ tới và một chuỗi cung ứng trong nước có đủ kinh nghiệm là điều cần thiết để xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và đạt được mục tiêu bền vững của quốc gia.

Bệ đỡ cho thị trường phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam ảnh 2Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/ TTXVN)

- Điện gió hiện đã hết thời gian hưởng cơ chế giá FIT, điều này có ảnh hưởng thế nào tới việc thu xếp vốn của các dự án?

Ông Sean Huang: Chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ mối quan tâm của Chính phủ liên quan đến việc thiết kế giá điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, đối với những thị trường mới như Việt Nam, điều quan trọng là những dự án đầu tiên phải được phát triển và đưa vào vận hành thành công. Điều này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo của ngành này trong nước, khi nhà đầu tư có thêm tự tin và chuỗi cung ứng trong nước cũng phát triển qua các dự án đầu tiên này.

Các ví dụ về việc triển khai thành công điện gió ngoài khơi trên thế giới cho thấy tầm quan trọng của việc có một lộ trình rõ ràng, bắt đầu với các ưu đãi giá FIT, trong giai đoạn hình thành của ngành. Với cơ chế chuyển đổi phù hợp, các thị trường này đã đạt được mức tăng trưởng cao và tiến tới hình thức đấu giá mở. Từ đó, giảm giá thành sản xuất điện là điều có thể nhanh chóng đạt được.

Với việc Chính phủ Việt Nam có thể tăng mục tiêu điện gió ngoài khơi lên 5GW vào năm 2030, công suất gió ngoài khơi tại thời điểm đó sẽ chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam vào năm 2030. Do đó, một cơ chế giá FIT hấp dẫn để khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi khó có thể tạo ra tác động đáng kể đến giá bán lẻ trung bình của Việt Nam, hiện đã ở mức 8,3 cent/kWh.

- Để khuyến khích và phát triển năng lượng điện gió, ông có đề xuất gì?

Ông Sean Huang: Trong khi Chính phủ đang cần thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong một ngành mới phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao như điện gió ngoài khơi, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ thiết lập một môi trường đầu tư và khuôn khổ pháp lý thân thiện hơn nhằm lựa chọn và khuyến khích các nhà phát triển quốc tế có kinh nghiệm thực tế để đầu tư và hỗ trợ xây dựng thị trường.

Có thể thấy, thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ chế pháp lý và các chuỗi cung ứng hiện có. Nhưng, đây cũng là các thử thách mà các nước đã thành công đều phải vượt qua khi họ mới bắt đầu.

Để đạt được tất cả các mục tiêu, điều quan trọng là đảm bảo một số dự án đầu tiên được đưa vào phát điện, vận hành thành công và được phát triển bởi những tập đoàn có năng lực và kinh nghiệm phát triển. Chính phủ có thể bắt đầu với một vài GW công suất cho các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm với các ưu đãi giá FIT phù hợp để thúc đẩy ngành.

Điều này sẽ cho phép các nhà phát triển huy động vốn trên thị trường quốc tế và tạo điều kiện để chuỗi cung ứng trong nước phát triển và qua đó, tạo tiền đề thành công cho thị trường. Những kinh nghiệm đạt được từ các dự án thí điểm sẽ là nền tảng vững chắc để Chính phủ, các nhà cung ứng trong nước và các nhà đầu tư chuyển sang giai đoạn đấu thầu.

Quan trọng hơn, việc có khung pháp lý và các cơ chế để đảm bảo các dự án thí điểm được phát triển và xây dựng bởi các tập đoàn lớn có kinh nghiệm về cả năng lực kỹ thuật và tiềm lực tài chính vững chắc sẽ là yếu tố trọng yếu để dẫn dắt ngành điện gió ngoài khơi tới thành công trong giai đoạn ban đầu.

Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục