Ngày 14/3, nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ Lori Loughlin đã ra trình diện tòa án liên bang ở thành phố Los Angeles do liên quan đến vụ bê bối tuyển sinh đại học quy mô lớn với sự dính líu của nhiều nhân vật nổi tiếng tại nước này.
Thẩm phán Steve Kim đã cho phép Loughlin, 54 tuổi, một trong những nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí, được tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 1 triệu USD.
Chồng bà Loughlin, nhà thiết kế Mossimo Giannulli, cũng phải nộp một khoản tiền tương tự để được tại ngoại.
Trước đó cùng ngày, Loughlin, đã ra đầu thú tại Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau khi trở về từ Vancouver, Canada.
Theo thẩm phán Kim, nữ diễn viên này sẽ vẫn phép di chuyển giữa Mỹ và British Columbia, Canada để hoàn thanh dự án phim với điều kiện bà Loughlin phải thông báo các kế hoạch làm việc cho tòa án. Nữ diễn viên này được yêu cầu nộp hộ chiếu đến tháng 12 này.
Theo tòa án, diễn viên Loughlin cùng chồng đã đồng ý trả 500.000 USD để giúp hai con gái họ có cơ hội được nhận vào Đại học Southern California.
Loughlin bị cáo buộc rằng cô sẽ sắp xếp cho con gái mình chụp ảnh để có vẻ như cô là thành viên trong đội chèo thuyền L.A. Marine Club.
Trong khi đó, nữ diễn viên Felicity Huffman và chồng cô là nam diễn viên William H. Macy bị cáo buộc đã trả 15.000 USD để con gái của họ không giới hạn thời gian cho bài kiểm tra SAT. Nữ diễn viên Huffman cũng đã được tại ngoại sau khi bị bắt vào ngày 12/3.
Ngoài ra, cựu Giám đốc điều hành công ty đầu tư Pimco Douglas Hodge cùng một số bố mẹ tham gia đường dây "chạy suất" vào các trường đại học, đã trình diện trước một tòa án tại Boston, bang Massachusetts. Ông Hodge được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh là 500.000 USD.
Đây chỉ là số ít trong số 50 nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí và kinh doanh của Mỹ bị cáo buộc dính líu đến vụ bê bối tuyển sinh vào các trường đại học lớn của nước này.
Hãng FOX NEWS cùng ngày 13/3 đã công bố toàn bộ danh sách những nghi phạm danh tiếng liên quan đến vụ bê bối trên. Những nghi phạm này được chia vào 4 nhóm gồm nghi phạm chính với nhiều tội danh, nghi phạm làm giàu bất chính, nghi phạm lừa đảo và hối lộ.
[Hơn 750 gia đình dính líu tới bê bối tuyển sinh đại học tại Mỹ]
Theo các nhà điều tra, nghi phạm chính của vụ bê bối, đồng thời cầm đầu đường dây này là William Rick Singer, 58 tuổi, người đứng đầu tổ chức từ thiện Key Worldwide Foundation và là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty đào tạo và hướng nghiệp Edge College & Career Network.
Một số nghi phạm khác là huấn luyện viên từng giảng dạy tại các trường như Đại học Yale, Đại học Stanford, Đại học Georgetown, Đại học Wake Forest; Đại học Southern California, Đại học Texas.
Các công tố viên cho biết nhiều bậc phụ huynh đã trả khoản tiền lên tới 6 triệu USD cho một công ty do Singer điều hành để đối tượng này tìm cách giúp đỡ con em họ trong bài thi đầu vào các trường đại học hoặc hối lộ các huấn luyện viên để giúp giành suất học bổng dành vận động viên ở những trường này.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin cảnh sát nước này vừa triệt phá một đường dây chạy suất vào các trường đại học hàng đầu ở Xứ cờ hoa.
Chiến dịch mang tên "Varsity Blues" đã xác nhận 50 nghi phạm bao gồm các CEO, nhiều ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, các nhà thiết kế thời trang, các luật sư cao cấp và giáo sư đại học... tại Mỹ.
Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ. William Singer đang phải đối mặt với mức án tối đa là 65 năm nếu bị kết án, cho rằng bản thân "hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ việc."
Vụ bê bối trên bị lật tẩy trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở Mỹ lo ngại về tình trạng cạnh tranh căng thẳng để có được một suất vào đại học, cũng như bức xúc về các đặc quyền dành cho giới nhà giàu ở nước này./.