Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 12/5, lễ trao bằng tốt nghiệp lớp phi công thương mại quốc tế cho 30 học viên đã diễn ra tại Học viện Phi công-Hàng không Australia (AAPA).
Trong số 30 học viên tốt nghiệp đợt này có 7 học viên Việt Nam của Trường Phi công bay Việt lần đầu tiên được học tập tại môi trường Học viện Phi công-Hàng không Australia đẳng cấp quốc tế.
Tham dự lễ tốt nghiệp có Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Julia Bishop, Ban giám đốc Học viện AAPA, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney Hoàng Minh Sơn cùng phu nhân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Xuân Đức.
[Mở trường bay đào tạo nguồn nhân lực phi công tại Việt Nam]
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bishop cho biết trong chính sách đối ngoại, Chính phủ Australia cũng rất chú trọng thúc đẩy ngoại giao kinh tế nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực đào tạo phi công hàng không thương mại.
Bà nhấn mạnh quan hệ Australia-Việt Nam thời gian qua phát triển ngày càng sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và giáo dục đào tạo.
Các học viên Việt Nam tại AAPA nằm trong số 22.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục đào tạo của Australia.
Trong năm nay, có hơn 300 sinh viên Australia học và thực tập tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Colombo mới - một trong những chương trình giáo dục quan trọng hàng đầu của Chính phủ Australia…
Bà Bishop một lần nữa chúc mừng các học viên Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo và khẳng định, chương trình đào tạo phi công của Australia dành cho Việt Nam đã đạt đẳng cấp quốc tế.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Xuân Đức cho biết sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành hàng không Việt Nam nói chung và Trường Phi công bay Việt nói riêng, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác đào tạo phi công giữa hai nước.
Theo ông, Australia là thị trường khó tính, yêu cầu chuẩn CASA của nước này cao hơn chuẩn EASA, CAANZ của châu Âu hay New Zealand. Chẳng hạn như, các học viên Việt Nam thực hành bay đơn không có không lưu liên lạc như ở những nơi khác. Các học viên vừa phải tập trung lái, vừa liên lạc với nhau qua radar.
Ông bày tỏ hy vọng lứa phi công tốt nghiệp này và trong tương lai sẽ giúp Vietnam Airlines hội nhập tốt hơn nữa với thị trường quốc tế. Vietnam Airlines hiện còn thiếu 1.000 phi công cho đến năm 2020.
Không giấu nổi niềm vui, vinh dự là học viên xuất sắc của lớp, học viên Bạch Huy Hoàng đã gửi lời cảm ơn đến các giảng viên AAPA, Vietnam Airlines, Trường Phi công bay Việt đã tạo cơ hội cho bạn được học tập ở môi trường quốc tế chuyên nghiệp.
Theo bạn Hoàng, bên cạnh những kỹ năng, cái bạn nhận được nhiều nhất trong quá trình học tập ở đây là thái độ công việc, và điều đó sẽ giúp học viên tiến xa hơn nữa, nhất là trong ngành hàng không.
AAPA là một trong những học viện hàng đầu thế giới đào tạo phi công với hệ thống máy bay huấn luyện và cơ sở vật chất hiện đại và là đối tác của Trung tâm Đào tạo bay Boeing trong việc đào tạo phi công.
Đợt đào tạo phi công lần này nằm trong khuôn khổ hợp đồng thương mại đầu tiên giữa AAPA và Trường Phi công bay Việt được ký kết vào tháng 12/2015.
Đây là lứa học viên đầu tiên trong 15 học viên của Trường Phi công bay Việt hiện đang học tại AAPA, cũng là những học viên theo chương trình xã hội hóa đầu tiên tốt nghiệp theo tiêu chuẩn CASA của Australia sẽ được chuyển giao cho Vietnam Airlines.
Từ nay đến cuối năm 2017, dự kiến Trường Phi công bay Việt sẽ gửi sang AAPA thêm 14 học viên./.